Điều gì chờ đợi nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2024?
Những lý do khiến kinh tế Đức rơi vào trì trệ rất rõ ràng. Đó là người tiêu dùng đang phải hạn chế chi tiêu do lạm phát và giá cả tăng cao.
Nền kinh tế Đức được dự báo có thể tăng trưởng nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mọi thứ đang cho thấy nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) sẽ có một năm hoạt động mờ nhạt. Xuất khẩu tiếp tục là trụ cột kinh tế hay không vẫn là một dấu hỏi và những diễn biến năng động như trước đây dường như vẫn nằm ngoài tầm với.
Mặc dù vẫn chưa có số liệu chính thức, nhưng nhiều ước tính đã cho thấy rằng năm 2023 nền kinh tế Đức có thể đã suy giảm. Điểm lại một năm qua, hiếm khi các nhà kinh tế và những hiệp hội ngành nghề Đức lại cùng nhất trí về quan điểm: năm 2023 là năm trì trệ.
Năm 2024 – nhiều dấu hiệu không khả quan
Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình gần đây về tình hình kinh tế trong nước, nhà kinh tế trưởng Moritz Kraemer của ngân hàng lâu đời nhất nước Đức Landesbank Baden-Württemberg đã nói rằng: “Tôi không muốn tranh luận về việc kinh tế tăng 0,2% hay giảm 0,2%.
Thực tế là, chúng ta đang trì trệ”.Chuyên gia Kraemer so sánh sự tăng trưởng chậm chạp hiện nay của nền kinh tế Đức với một tấm kim loại lượn sóng. Ông nói: “Chúng ta đang chuyển động theo kiểu 'nền kinh tế lượn sóng'. Tức là nó lên xuống một chút, nhưng thực ra chúng ta vẫn đang nằm phẳng trên mặt đất”.
Những lý do khiến kinh tế Đức rơi vào trì trệ rất rõ ràng. Đó là người tiêu dùng đang phải hạn chế chi tiêu do lạm phát và giá cả tăng cao. Thêm vào đó, nền kinh tế toàn cầu trì trệ đang gây căng thẳng cho các nhà xuất khẩu, vốn từng là động lực của nền kinh tế.
Ngoài ra, do giá năng lượng không ổn định, nhiều tập đoàn quốc tế đã tạm dừng kế hoạch đầu tư vào nước này. Hoặc tệ hơn, họ đang xây dựng cơ sở sản xuất mới ở nước ngoài – Mỹ hoặc Trung Quốc, cách xa EU.Một điều nữa, quá trình chuyển đổi xanh đầy tham vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, do Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck thúc đẩy, đang tiêu tốn rất nhiều tiền.
Ngân sách cân bằng và lỗ hổng lớn
Năm ngoái, vào giữa tháng 11, khi mọi hoạt động kinh tế không có gì sáng sủa, Tòa án Hiến pháp Đức đã ra phán quyết bác bỏ việc chính phủ chuyển đổi mục đích khoản ngân sách 60 tỷ euro (65 tỷ USD) dùng trong đại dịch COVID-19 sang quỹ bảo vệ khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế.
Trong bối cảnh các kế hoạch phát triển cho những năm tới của chính phủ phụ thuộc rất nhiều vào số tiền này, quyết định của Tòa án đã tạo ra mộ lỗ hổng lớn trong ngân sách.
Trước đó, hầu hết các nhà quan sát, chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đều nghĩ rằng quốc hội có thể chỉ cần phê duyệt các khoản vay mới, lần này không phải dành cho các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 mà dành cho quá trình chuyển đổi năng lượng và những mục đích khác.
Nhưng quyết định “phanh nợ” của Đức sẽ không cho phép điều này. Quy định tài chính, được bổ sung vào hiến pháp năm 2009, buộc chính phủ phải cân bằng sổ sách và hạn chế nghiêm ngặt các khoản vay mới. Việc phê duyệt khoản nợ bổ sung 60 tỷ euro chỉ có thể thực hiện được bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp về đại dịch, từ đó có thể tạm thời đình chỉ “phanh nợ”.
Chi tiêu ít hơn, tăng trưởng ít hơn
Phán quyết của Tòa án Liên bang Đức đã ném các tính toán ngân sách của chính phủ “ra ngoài cửa sổ” và gây ra sự bất ổn lớn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, buộc chính phủ phải tìm kiếm các phương án “thắt lưng buộc bụng”.
Cuối tháng 11/2023, sau nhiều vòng đàm phán gay gắt, chính phủ đã đồng ý về ngân sách bổ sung cho năm 2023 và tạm dừng việc “phanh nợ” trong năm đó. Ngân sách cho năm 2024 đã bị cắt giảm đáng kể. Một số người lo ngại rằng việc cắt giảm chi phí theo kế hoạch, ít trợ cấp hơn và giá năng lượng cao hơn có thể làm nền kinh tế chậm lại hơn nữa và thậm chí khơi dậy lạm phát.
Do phán quyết này, các dự án chính sách công nghiệp và khí hậu của Bộ trưởng Kinh tế Habeck cũng gặp nguy hiểm. Bộ Kinh tế Đức ước tính rằng điều này có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm tới 0,5 điểm phần trăm.
Theo nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ING, phán quyết này đã bộc lộ hai yếu tố rủi ro mới đối với nền kinh tế Đức, đó là “thắt lưng buộc bụng tài chính” và “bất ổn chính trị”.
Nhà kinh tế trưởng tại VP Bank, Thomas Gitzel, cho biết: “Mọi thứ đang trở nên thực sự tồi tệ đối với Đức”. Chính phủ phải hành động khẩn trương. Nhưng phán quyết của Tòa án Hiến pháp có thể buộc chính phủ phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, điều này có thể dẫn đến tăng trưởng chậm lại.
Ngay cả trước khi có phán quyết của tòa án, Ủy ban châu Âu (EC) đã coi Đức sẽ đi sau về tốc độ tăng trưởng ở Khu vực đồng euro (Eurozone) vào năm 2024, với mức tăng dự kiến là 0,8%.
Dự báo kinh tế hiện tại của Chính phủ Đức vẫn giả định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 1,3% cho năm 2024. Nhưng gần như tất cả các nhà phân tích kinh tế có uy tín nhất đều dự đoán mức tăng trưởng GDP của Đức sẽ dưới 1% vào năm 2024.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng 0,6%. Ngược lại, mức tăng trưởng trung bình của toàn bộ 38 quốc gia thành viên OECD ước tính là 1,4% theo số liệu công bố ngày 29/11/2023.
Khủng hoảng ở mọi hướng
Nhà kinh tế Isabell Koske của OECD cho biết: “Cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến Đức nhiều hơn các nước khác, vì ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng hơn ở nước này và sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga cao hơn nhiều so với các nước khác”.
Lạm phát cao làm giảm sức mua của hộ gia đình và do đó ảnh hưởng đến tiêu dùng. Bà Isabell Koske nói: “Cuộc khủng hoảng ngân sách chính phủ cũng khiến các công ty và người tiêu dùng lo lắng”. Bà Koske cho biết điều quan trọng là phải giải quyết cuộc khủng hoảng ngân sách càng nhanh càng tốt để các công ty và hộ gia đình lập kế hoạch cho tương lai.
Một giải pháp nên bao gồm cắt giảm chi tiêu, tăng doanh thu và cải cách “phanh nợ”.* Không có sự tăng trưởng nào cảCác chuyên gia tại Deutsche Bank thậm chí còn bi quan hơn. Chuyên gia Stefan Schneider thuộc DB Research cho rằng nền kinh tế Đức sẽ giảm vào năm 2024.
Trước đó, trong bài phát biểu tại ngân hàng trung ương Đức Bundesbank ở Berlin vào giữa tháng 10/2023, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Moritz Schularick, đã nêu một số yếu tố gây căng thẳng ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức.
Ông nói: “Đặt cược vào khí đốt của Nga như một nguồn năng lượng giá rẻ cho ngành công nghiệp. Đặt cược vào phép màu kinh tế Trung Quốc như một động lực cho xuất khẩu của Đức. Và đặt cược vào Pax Americana, thời đại thanh bình kiểu Mỹ”. Trên cả 3 điểm, nước Đức đã đi đến cuối con đường.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
- Chiến lược đầu tư hiệu quả bền vững của Giao Lộ Đầu Tư xem báo cáo qua Myfxbook
Phương Hoa (P/V TTXVN Tại Berlin) - Theo TTXVN