Lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel của Nga có thể gây bất lợi cho cả Moscow lẫn thế giới
Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào tuần trước. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 21/9 nhưng không nêu rõ ngày kết thúc.
Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào tuần trước. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 21/9 nhưng không nêu rõ ngày kết thúc.
Tham gia cộng đồng ZALO tại: Giao Lộ Đầu Tư để học hỏi kinh nghiệm, chiến lược đầu tư cùng Zoom giao dịch thực chiến hàng ngày.
Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại CHANNEL TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
Tuần trước, Nga đã thông báo cấm xuất khẩu dầu diesel, nhiên liệu quan trọng trong lĩnh vực vận tải, sưởi ấm và công nghiệp. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc bán cầu sắp bước vào mùa đông và thị trường diesel toàn cầu đang bị siết chặt.
Nhiều nhà phân tích cho rằng lệnh cấm chỉ là tạm thời, nhưng số khác coi đây là một động thái vũ khí hoá năng lượng khác của Nga khi cuộc xung đột tại Ukraine bước sang tháng thứ 20.
Bloomberg đã tổng hợp những thông tin mà thị trường đã biết cũng như những yếu tố khó lường xoay quanh lệnh cấm của Nga.
Châu Âu cuối cùng cũng chịu thiệt?
Theo thông báo của chính phủ Nga, lệnh cấm áp dụng với tất cả các loại dầu diesel cũng như sản phẩm chưng cất nặng và có hiệu lực vào ngày 21/9 nhưng không nêu ngày kết thúc.
Nga hiện giữ một vai trò quan trọng trên thị trường diesel toàn cầu. Dữ liệu từ Vortexa cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1 đến giữa tháng 9, Nga vận chuyển hơn 1 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày.
Theo đó, Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu diesel bằng đường biển lớn nhất thế giới, nhỉnh hơn Mỹ một chút.
Nhìn bề ngoài, lệnh cấm sẽ không có tác động lớn đến các quốc gia phương Tây đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến. Theo Bloomberg, các nước châu Âu đã ngừng mua hàng từ Nga sau khi chiến sự nổ ra.
Nhiên liệu của Nga đang được vận chuyển đến những nơi khác, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Arab Saudi là các điểm đến hàng đầu.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ có tính toàn cầu và việc mất đi nguồn cung lớn như vậy trong thời gian dài có ảnh hưởng không đơn giản.
Nguồn nhiên liệu từ Nga được Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ dùng để tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, lượng nhiên liệu mà các nhà máy lọc dầu ở những nước này sản xuất ra sẽ được xuất sang những khách hàng cũ của Nga ở châu Âu.
Mô hình giao dịch trên không thực sự hiệu quả, nhưng nó đảm bảo tất cả các nước đều nhận được nguồn nhiên liệu mà họ cần.
Bloomberg cho rằng việc Nga ngừng xuất khẩu nhiên liệu đến các quốc gia “thân thiện” có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia “không thân thiện” ở phương Tây, khi giá tăng cao và nguồn cung từ Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi sụt giảm.
Động thái cấm xuất khẩu diesel của Moscow diễn ra vào thời điểm mùa hè sắp kết thúc và châu Âu sắp tập trung mua nhiên liệu để sưởi ấm vào mùa đông. Diesel còn là nhiên liệu chính trong quá trình vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ, giữ vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng.
Ở diễn biến khác, Nga cũng khiến thị trường dầu diesel toàn cầu thắt chặt hơn khi giảm xuất khẩu dầu thô cùng các nước thành viên OPEC+, đặc biệt là Arab Saudi.
Động thái hạn chế xuất khẩu của OPEC+ khiến các nhà máy lọc dầu thiếu đi nguồn cung dầu thô giàu nhiên liệu. Các sản phẩm tương tự, như dầu đá phiến của Mỹ, lại không cho ra sản lượng nhiên liệu tương ứng.
Áp lực trong nước
Theo Bloomberg, có một số lý do cấp bách từ môi trường trong nước buộc Điện Kremlin phải ban hành lệnh cấm. Nga đang phải vật lộn với môt cú sốc giá nhiên liệu, khiến áp lực lạm phát phình to.
Nhu cầu nhiên liệu tại Nga đang được thúc đẩy bởi một mùa thu hoạch nông sản bội thu. Chiến sự tại Ukraine cũng đang kéo mức tiêu thụ nhiên liệu đi lên. Tuy vậy, giới phân tích rất khó xác định chính xác nhu cầu của Nga đang tăng thêm bao nhiêu.
Trong khi đó, nguồn cung nhiên liệu tại Nga lại đang sụt giảm do các đợt bảo trì mùa đông tại nhiều nhà máy lọc dầu.
Bloomberg cho biết, trong nửa đầu tháng 9, công suất lọc dầu trung bình của Nga là 5,4 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 108.000 thùng/ngày so với mức trung bình tháng 8.
Một nguồn tin thuộc chính phủ Nga nói với Bloomberg rằng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu chỉ áp dụng trong thời gian ngắn.
Một quan chức khác cho biết biện pháp này chỉ kéo dài đến khi có một cơ chế thị trường mới để điều tiết nguồn cung trong nước.
Mặt khác, so với cung cấp cho thị trường nội địa, các nhà máy lọc dầu của Nga kiếm được nhiều hơn khi xuất khẩu dầu diesel ra nước ngoài bởi giá trên thị trường quốc tế đang tăng cao.
Vì vậy, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần phải tìm cách đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hiện tại chưa rõ Moscow và ngành công nghiệp lọc dầu Nga sẽ thoả hiệp với nhau như thế nào. Trước đó, chính phủ cũng từng cân nhắc sẽ áp thuế xuất khẩu ở mức cao và tăng trợ cấp để duy trì nguồn cung nhiên liệu trên thị trường nội địa (một động thái có lợi cho doanh nghiệp lọc dầu).
Song, các khoản trợ cấp đó đã gây căng thẳng cho tài chính của chính phủ và khoản tiền chảy vào túi các nhà máy lọc dầu đã vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm vào tháng 8, trong bối cảnh đồng ruble yếu hơn và giá nhiên liệu tăng cao hơn. Cuối cùng, Moscow phải ngừng trợ cấp vào đầu tháng 9.
Nhu cầu thực sự của Nga
Nhu cầu nhiên liệu của Nga là một ẩn số đối với các chuyên gia trong ngành năng lượng.
Theo dữ liệu từ ông Pavel Zavalny, người đứng đầu ủy ban năng lượng ở Hạ viện Nga, nước này đặt mục tiêu sản xuất hơn 90 triệu tấn nhiên liệu trong năm nay, tương đương khoảng 1,9 triệu thùng/ngày.
Nga dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn, phần còn lại sẽ dành cho xuất khẩu, ông Zavalny cho hay.
Tuy nhiên, chiến sự tại Ukraine khiến nhu cầu tăng thêm. Nga cần nhiên liệu để cung cấp cho quân đội và người tiêu dùng ở những khu vực mà nước này đã sáp nhập ở phía đông Ukraine, nơi không có nhà máy lọc dầu nào đang hoạt động.
Moscow không tiết lộ nhiều thông tin, nhưng theo Bloomberg, lượng nhiên liệu cần cho quân đội Nga ở 6 khu vực giáp ranh Ukraine, cũng như các vùng Donetsk và Luhansk, đã lên tới 220.000 tấn chỉ riêng trong tháng 9/2022.
Bất chấp nhu cầu bổ sung từ quân đội, sản lượng diesel của Nga vẫn có thể vượt xa nhu cầu trong nước, gây áp lực lên các kho dự trữ quốc gia. Nga không tiết lộ chính xác lượng diesel có thể chứa tại các cảng, cơ sở lọc dầu và hồ chứa gần các đường ống chính.
Tính đến ngày 18/9, tổng lượng dầu diesel được chứa tại các cơ sở trên đạt 2,96 triệu tấn - khoảng 22 triệu thùng, theo dữ liệu của Bloomberg.
Mức dự trữ cao nhất là 3,73 triệu thùng, vào tháng 2/2023. Như vậy, các kho dự trữ còn có thể chứa thêm ít nhất 770.000 tấn dầu diesel nữa. Dựa theo số liệu trong 13 ngày đầu tiên của tháng 9, con số 770.000 tấn tương đương sản lượng trong 3 ngày.
Lệnh cấm kéo dài bao lâu?
Bloomberg dự đoán Nga không thể duy trì lệnh cấm quá lâu bởi nước này có thể gặp rắc rối về công suất.
Một nguồn tin cho biết việc kéo dài lệnh cấm qua đầu tháng 10 sẽ gây hại cho ngành dầu mỏ Nga. Các nhà máy lọc dầu sẽ cần phải giảm công suất để tránh tồn kho quá mức vì thiếu kho dự trữ. Người này nhấn mạnh, rủi ro đó khiến lệnh cấm có khả năng sẽ kết thúc vào đầu tháng 10.
Công ty tư vấn năng lượng FGE lưu ý rằng nếu Nga không cho xuất khẩu nhiên liệu trở lại, “các nhà máy lọc dầu sẽ buộc phải đóng cửa và gây ra tác động trái với mong muốn của Moscow - giá xăng cao hơn và nước này có nguy cơ thiếu hụt nhiên liệu”.
Ở phân tích khác, Citigroup cũng cho biết kéo dài lệnh cấm sẽ không có lợi cho Nga vì các nhà máy lọc dầu sẽ phải cắt giảm hoạt động, khiến sản lượng nhiên liệu xuống thấp hơn trong mùa đông.
Citigroup cũng lưu ý rằng nhu cầu diesel trong mùa thu hoạch dự kiến sẽ đạt đỉnh trong 3 đến 5 tuần tới, sau đó chững lại vào tháng 11 và cuối cùng giảm mạnh vào tháng 12. Do vậy, lệnh cấm xuất khẩu có thể sẽ chỉ kéo dài trong khoảng 6 tuần.
- Nguồn : Tổng hợp