Trung Quốc chứng kiến dòng vốn tháo chạy 18 tháng liền, hàng tỷ USD đầu tư của nước ngoài đã ra đi
Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư từ Bắc Kinh, dòng vốn vẫn đang tiếp tục tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán và nền kinh tế Trung Quốc.
Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy niềm tin nhà đầu tư từ Bắc Kinh, dòng vốn vẫn đang tiếp tục tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán và nền kinh tế Trung Quốc.
Dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc
Chứng khoán Trung Quốc đã phục hồi trong phiên giao dịch sáng ngày 28/8 sau khi Bắc Kinh công bố loạt biện pháp nhằm ngăn chặn cú trượt dốc kéo dài gần một tháng của thị trường.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bloomberg, đợt phục hồi này chỉ diễn ra trong phút chốc bởi các nhà đầu tư nước ngoài đã tận dụng nó như một cơ hội để bán tháo 1,1 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc đại lục.
Chỉ số CSI 300 dùng để theo dõi 300 công ty lớn nhất Trung Quốc trên các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến có lúc đi lên 5,5% trong phiên hôm qua, trước khi loại bỏ phần lớn mức tăng. Kết phiên, CSI 300 chỉ tăng 1,17%.
Cuối tuần qua, giới chức Trung Quốc đã giảm một nửa thuế giao dịch chứng khoán cùng một số biện pháp khác nhằm “tăng cường niềm tin nhà đầu tư”, theo một tuyên bố từ Bộ Tài chính nước này.
Bắc Kinh còn yêu cầu một số quỹ tương hỗ tránh bán ròng cổ phiếu, tờ Bloomberg đưa tin. Bất chấp những động thái đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với các công ty tư vấn nước ngoài do căng thẳng với Mỹ và liên tục yêu cầu các quỹ tránh bán cổ phiếu khi thị trường bất ổn, nhà đầu tư ngày càng bất an khi nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm nay, số lượng quỹ phòng hộ tập trung vào thị trường Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Và trong quý II, nợ đầu tư trực tiếp - một thước đo vốn FDI vào Trung Quốc - đã giảm 87% so với cùng kỳ xuống mức thấp kỷ lục là 4,9 tỷ USD, theo số liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố cuối tuần trước.
Đà phục hồi yếu hơn dự kiến sau đại dịch và loạt vấn đề kinh tế âm ỉ hàng chục năm cũng khiến đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc chững lại.
Các rắc rối mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt bao gồm việc thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao kỷ lục, chính quyền các địa phương ôm khối nợ tới gần 13.000 tỷ USD và lợi nhuận của các công ty công nghiệp suy giảm.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, nhận định: “Sự thay đổi trong dòng vốn toàn cầu là rất đáng chú ý”.
“Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thu hút phần lớn dòng vốn vào các thị trường mới nổi, gây thiệt hại cho các nước BRICS khác. Song, giờ Trung Quốc đã chứng kiến hiện tượng dòng vốn tháo chạy với quy mô lớn và liên tục trong 18 tháng qua”, vị chuyên gia cho hay.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc đang dần trở thành một nơi kém thân thiện với các nhà đầu tư, các triệu phú Trung Quốc đang lũ lượt rời khỏi đất nước trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đối với các công ty tư nhân lớn.
Theo ước tính từ Báo cáo di cư tài sản mới nhất của công ty tư vấn Henley & Partners, Trung Quốc sẽ mất khoảng 13.500 triệu phú trong năm nay, một con số cao kỷ lục. Năm ngoái, nước này mất khoảng 10.800 triệu phú.
Hàn gắn mối quan hệ đổ vỡ?
Ở diễn biến khác, vào ngày 28/8, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ rạn nứt giữa hai siêu cường bằng chuyến thăm Bắc Kinh, theo Fortune.
Bà Raimondo và người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào đã đồng ý thành lập một nhóm để “tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thương mại và đầu tư” sau nhiều giờ thảo luận, một dấu hiệu cho thấy có thể Washington đang thay đổi thái độ với Trung Quốc.
“Thế giới đang trông chờ Mỹ và Trung Quốc kiểm soát và duy trì mối quan hệ thương mại của chúng ta một cách có trách nhiệm”, bà Raimondo bày tỏ.
Chỉ vài ngày trước chuyến thăm của bà Raimondo, Bộ Thương mại Mỹ đã loại 27 công ty Trung Quốc ra khỏi danh sách cấm mua công nghệ Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc khen ngợi động thái trên “có lợi cho hoạt động thương mại bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ”, đồng thời cho rằng hai bên “hoàn toàn có thể tìm ra giải pháp có lợi cho doanh nghiệp đôi bên”.
Sau cuộc gặp với bà Raimondo, ông Vương Văn Đào cũng thể hiện thái độ tích cực. Ông nói: “Tôi sẵn sàng hợp tác với Mỹ để thúc đẩy một môi trường chính sách thuận lợi hơn, để doanh nghiệp của chúng ta hợp tác mạnh mẽ hơn nhằm củng cố thương mại và đầu tư song phương....”
- Nguồn : tổng hợp
- Tham gia group cộng đồng tại Giao Lộ Đầu Tư