Điều gì đẩy đồng USD lên cao nhất 6 tháng?
Triển vọng tương đối ổn của kinh tế Mỹ hiện nay trái ngược với sự ảm đạm của các nền kinh tế lớn khác. Điều này được diễn giải rằng lãi suất tại Mỹ sẽ không sớm được cắt giảm.
Triển vọng tương đối ổn của kinh tế Mỹ hiện nay trái ngược với sự ảm đạm của các nền kinh tế lớn khác. Điều này được diễn giải rằng lãi suất tại Mỹ sẽ không sớm được cắt giảm. Thậm chí, một số chuyên gia gần đây đã cảnh báo rủi ro lạm phát “bốc đầu” trở lại trên cơ sở xu hướng tăng giá của dầu thô...
Mối lo ngại ngày càng lớn về sức khoẻ kinh tế toàn cầu và nguy cơ trỗi dậy của lạm phát đã kết hợp đưa đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác trong phiên giao dịch ngày 5/9.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa với mức tăng 0,5%, đạt 104,8 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số đạt hơn 104,9 điểm, cao nhất kể từ hôm 15/3/2023 - theo dữ liệu từ FactSet.
Các số liệu kinh tế ảm đạm từ Trung Quốc và khu vực Eurozone đã giúp bạc xanh củng cố xu hướng tăng của thời gian gần dây. Ngoài ra, sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ so với các nền kinh tế lớn khác tiếp tục là động lực để đồng USD đi lên.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, Dollar Index đã tăng gần 2,3% - theo dữ liệu từ FactSet. Đồng USD đã có những đợt giảm sâu trong năm nay, nhưng đợt tăng này giúp đảo ngược đà giảm đó, đưa chỉ số đạt mức tăng gần 1,3% nếu tính từ đầu năm.
“Sự vượt trội của đồng USD đang diễn ra trong bối cảnh lạc quan gia tăng về triển vọng kinh tế Mỹ”, ông Michael Hewson - trưởng phân tích của công ty CMC Markets UK - nhận định trong một báo cáo.
Đầu tuần này, ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay còn 15% từ 20% trước đó. Các số liệu kinh tế Mỹ công bố trong tuần trước cho thấy thị trường việc làm và lạm phát tiếp tục suy yếu, nhưng chưa đủ để có thể gây ra một cuộc suy thoái hay buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải sớm xoay trục chính sách tiền tệ sang nới lỏng.
Giới phân tích và đầu tư đang đặt kỳ vọng cao rằng nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, tức là Fed kéo được lạm phát giảm xuống mà không gây suy thoái kinh tế. Nhưng đồng thời với đó, lãi suất của Fed có thể sẽ giữ cao hơn lâu hơn so với dự kiến, chừng nào lạm phát còn chưa giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững.
Thậm chí, một số chuyên gia gần đây đã cảnh báo rủi ro lạm phát “bốc đầu” trở lại ở Mỹ. Cơ sở cho mối lo này là xu hướng tăng mạnh của giá dầu thô. Phiên ngày 5/9, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đã vượt 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Tham gia cộng đồng Giao Lộ Đầu Tư để học hỏi kinh nghiệm chiến lược đầu tư hàng ngày
Triển vọng tương đối ổn của kinh tế Mỹ hiện nay trái ngược với sự ảm đạm của các nền kinh tế lớn khác.
Một cuộc khảo sát của tờ báo tài chính Caixin công bố ngày 5/9 cho thấy lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng 8 tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 8 tháng. Đây được xem là một bằng chứng nữa cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất dần đà phục hồi hậu Covid-19.
Một cuộc khảo sát của khu vực Eurozone cho thấy sản lượng kinh tế của khu vực trong tháng 8 giảm với tốc độ mạnh nhất gần 3 năm.
“Sự vững vàng của kinh tế Mỹ nói lên một điều rằng lãi suất ở Mỹ sẽ không sớm được cắt giảm, không giống như ở châu Âu nơi các số liệu kinh tế tiếp tục gây thất vọng. Lần này, số liệu về lĩnh vực dịch vụ của Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp đều rơi vào trạng thái suy giảm rồi”, ông Hewson nhấn mạnh.
Nói cách khác, ưu thế sức mạnh kinh tế và ưu thế lãi suất của Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tỷ giá của đồng USD.
Cũng trong phiên ngày 5/9, đồng euro - đồng tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ Dollar Index - giảm 0,7% xuống mức thấp nhất gần 3 tháng.
Đồng USD tăng giá 0,9% so với yên Nhật, đạt 147,77 Yên đổi 1 USD - mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Gần đây, thị trường tài chính toàn cầu đồn đoán rằng nhà chức trách Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ nếu yên giảm giá quá mức 150 yên đổi 1 USD.
Đồng bảng Anh cũng giảm 0,6% so với USD trong phiên cùng ngày, còn 1,2561 USD đổi 1 bảng, mức thấp nhất kể từ tháng 6.
Ở góc độ kỹ thuật, Dollar Index đã vượt qua các mức cao và kháng cự của thời gian gần đây trong khoảng 104,29-104,7 điểm, nhà phân tích Fawad Razaqzada của City Index nhận định.
“Vùng điểm này là một khu vực kháng cự mạnh đối với Dollar Index hồi tháng 5 và cuối tháng 8, nhưng bây giờ, chỉ số đã vượt qua được. Vùng này sẽ được bảo vệ nếu các nhà đầu cơ giá lên USD tiếp tục nắm quyền kiểm soát. Chúng tôi cho rằng họ sẽ làm được việc đó, nếu xét đến sự vượt trội của USD ở thời điểm này, trừ phi có một sự thay đổi lớn của các yếu tố nền tảng khiến xu thế tăng của đồng USD bị đảo ngược”, ông Razaqzada nhận định.
Nhà phân tích này cho rằng mức đỉnh hồi tháng 3 của Dollar Index là 105,88 điểm sẽ là mục tiêu tiếp theo của các nhà đầu cơ giá lên.
Tham gia cộng đồng Giao Lộ Đầu Tư để học hỏi kinh nghiệm chiến lược đầu tư hàng ngày
Theo: Bình Minh - vneconomy