Liệu khối nợ của Trung Quốc có thể kích hoạt khủng hoảng tài chính?
Bà Charlene Chu, nhà phân tích đang theo dõi khối nợ của Trung Quốc, lo ngại rằng nền kinh tế tỷ dân đã hội tụ đủ các yếu tố để kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng.
Bà Charlene Chu, nhà phân tích đang theo dõi khối nợ của Trung Quốc, lo ngại rằng nền kinh tế tỷ dân đã hội tụ đủ các yếu tố để kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng.
Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang lần nữa gặp rắc rối, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế sa sút, niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp xuống dốc, nhà phân tích cấp cao Charlene Chu tại Autonomous Research lo ngại rằng Trung Quốc đã hội tụ đủ các yếu tố để kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng.
Dưới đây là đoạn hội thoại giữa tờ Barron’s và bà Chu, chuyên gia đang theo dõi khối nợ của Trung Quốc, về tình hình kinh tế và các nguy cơ mà nước này đang phải đối mặt:
Tình hình kinh tế hiện nay ở Trung Quốc tệ đến mức nào so với các giai đoạn khó khăn trong quá khứ?
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa và tiến hành cải cách trong thập niên 1970, môi trường vĩ mô lúc này đang tồi tệ hơn bao giờ kết.
Trung Quốc không chỉ gặp phải một vấn đề. Ngoài sự lao dốc của thị trường bất động sản, Trung Quốc còn có các rắc rối mang tính chu kỳ và cấu trúc về xuất khẩu, chính quyền địa phương, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương từng là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của Trung Quốc khi họ đi vay tiền để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Nhưng năm nay, các địa phương đang tập trung vào việc kiểm soát “gánh nặng nợ ẩn”. Các địa phương không thể vay thêm nữa do áp lực của chính phủ trung ương.
Sao chính phủ Trung Quốc không can thiệp và trả nợ cho chính quyền địa phương?
Bắc Kinh chắc chắn có đủ khả năng làm vậy. Nợ của chính phủ Trung Quốc chỉ tương đương khoảng 25-30% GDP . Nhưng giới lãnh đạo không muốn làm vậy, họ muốn giữ bảng cân đối kế toán của chính phủ sạch sẽ nhất có thể.
Nếu chính phủ Trung Quốc giải cứu các nhà phát triển bất động sản và quỹ tương hỗ lúc này thì dư địa để hỗ trợ trong tương lai sẽ suy giảm. Các nhà hoạch định chính sách đã kiên quyết giữ lập trường này trong vài năm qua.
Còn điểm khác biệt nào giữa tình hình kinh tế hiện nay và quá khứ?
Đây là lần đầu tiên trong một khoảng thời gian dài Trung Quốc phải đối mặt với vấn đề về niềm tin ở quy mô lớn. Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ hồi tháng 3 đã cho thấy niềm tin rất quan trọng với ngành tài chính.
Rủi ro thực sự là nếu tình hình kinh tế vĩ mô không cải thiện trong những tháng tới thì Trung Quốc sẽ bị mắc kẹt với rắc rối về lòng tin, và tôi e là triển vọng kinh tế sẽ rất khó thay đổi.
Liệu đến một lúc nào đó, vấn đề niềm tin này có lan ra ngành tài chính hay không? Liệu mọi người có cảm thấy họ nên để tiền trong tài khoản ngân hàng hơn là các quỹ ủy thác?
Nếu viễn cảnh tồi tệ trên xảy ra, các khách hàng có thể đột ngột và đồng loạt trả lại các sản phẩm đầu tư, sau đó đòi lại tiền. Đó là lúc Trung Quốc có nguy cơ khiến công chúng mất lòng tin vào lĩnh vực ngân hàng bóng tối và gặp rắc rối.
Ngành tài chính của Trung Quốc có nguy cơ bị rút tiền hàng loạt như các ngân hàng khu vực của Mỹ hồi đầu năm không?
Hầu hết các sản phẩm đầu tư không cho phép khách hàng rút tiền tùy ý như tiền gửi ngân hàng, và đó là lý do chính mọi thứ vẫn im ắng cho đến nay.
Điều chúng ta không biết là liệu các vụ vỡ nợ gần đây của một số quỹ ủy thác có khiến khách hàng ngần ngại đem tiền đi tái đầu tư một khi sản phẩm của họ đến hạn hay không.
Nếu câu trả lời là có thì chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến thêm những vụ vỡ nợ như Zhongrong và Zhongzhi. Còn nếu không thì hệ thống tài chính có thể vẫn khá yên tĩnh và ổn định.
Nguy hiểm nhất là khi các hộ gia đình và doanh nghiệp chỉ thấy an tâm khi để tiền trong các ngân hàng nhà nước. Điều này có thể kích hoạt làn sóng rút tiền hàng loạt khỏi các ngân hàng nhỏ, giống như những gì chúng ta đã thấy ở Mỹ hồi đầu năm. Hiện tượng này chưa xảy ra, nhưng các yếu tố đang hội tụ lại theo cách mà chúng ta chưa từng thấy.
Phải chăng Trung Quốc đang tiến tới “khoảnh khắc Lehman”?
Trung Quốc đã có 6 công ty ủy thác sụp đổ trong vài năm qua và chúng không gây ra khủng hoảng mang tính hệ thống. Nhưng Zhongrong lớn gấp vài lần những công ty đó, môi trường kinh tế ngày nay tồi tệ hơn nhiều và niềm tin đang xuống dốc, do đó hệ thống tài chính Trung Quốc chắc chắn có những lỗ hổng.
Khủng hoảng của Lehman Brothers lan ra quá nhanh và nhiều ngân hàng cùng bị ảnh hưởng là do các nhà băng mất lòng tin vào nhau. Không ai biết ngân hàng nào có bao nhiêu bất động sản xấu và nhà băng nào có nguy cơ sụp đổ vào ngày mai. Hiện tại, chúng ta chưa có rủi ro tương tự ở Trung Quốc.
Rủi ro Trung Quốc gây ra cho hệ thống tài chính toàn cầu lớn đến đâu?
Khá thấp. Sau khi chiến sự nổ ra ở Ukarine, các tổ chức tài chính phương Tây đã đánh giá lại rủi ro của họ nằm ở đâu và lên kế hoạch kiểm soát các khoản lỗ lớn tại mọi thị trường lớn.
Các nhà đầu tư đang hiểu sai điều gì về Trung Quốc?
Mọi người cho rằng Trung Quốc chỉ đang gặp phải rắc rối chu kỳ ngắn hạn và nghĩ rằng Trung Quốc sẽ quay trở lại lộ trình tăng trưởng như trước, và rồi mọi chuyện sẽ ổn.
Nhưng những ngày huy hoàng đã kết thúc. Trung Quốc sẽ không bao giờ lặp lại được tốc độ tăng trưởng như thời trước đại dịch. Nước này có quá nhiều vấn đề mang tính cấu trúc, và sự già hóa của dân số sẽ khiến cho Trung Quốc còn không thể kiến tạo ra tốc độ tăng trưởng gần bằng với quá khứ.
Mọi người không hiểu được điều này. Thậm chí có lẽ các nhà chức trách Trung Quốc cũng không hiểu, bởi họ liên tục lặp lại rằng mọi quốc gia cần thời gian để hồi phục sau khi mở cửa kinh tế trở lại nên chúng ta chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi.
- Nguồn : tổng hợp
- Tham gia nhóm cộng đồng tại Giao Lộ Đầu Tư