Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ có thể là mối họa cho nền kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh đến mức áp lực lạm phát có nguy cơ sẽ phình to trở lại. Sự bền bỉ của nền kinh tế này có thể là rủi ro cho thế giới nếu các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) buộc phải tăng lãi suất cao hơn mức dự kiến.

Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ có thể là mối họa cho nền kinh tế toàn cầu
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh đến mức áp lực lạm phát có nguy cơ sẽ phình to trở lại. Sự bền bỉ của nền kinh tế này có thể là rủi ro cho thế giới nếu các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) buộc phải tăng lãi suất cao hơn mức dự kiến.

Rủi ro lớn

Năm ngoái, các đợt tăng lãi suất quyết liệt của Fed có thể đã gây căng thẳng cho hệ thống tài chính toàn cầu khi đồng USD bật tăng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Fed có thể đã yếu đi vài phần khi những ngân hàng trung ương (NHTW) khác cũng đồng loạt tăng lãi suất.

Giờ đây, Trung Quốc, Brazil và Chile đã bắt đầu hạ lãi suất và các NHTW khác dự kiến cũng sẽ "nối gót". Tại hội nghị Jackson Hole tuần trước, các nhà hoạch định chính sách cho biết những động thái này phần lớn bắt nguồn từ kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất nhiều hơn 25 điểm cơ bản (bps) trong những tháng cuối năm nay.

Lạm phát tại Mỹ đã đi xuống và đa số các quan chức Fed đồng ý rằng chu kỳ tăng lãi suất đã gần đến hồi kết. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế  của Mỹ lại mạnh mẽ bất ngờ. Hôm 25/8,Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng điều này có thể kéo lạm phát đi lên và buộc ông và các đồng nghiệp phải phản ứng.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bình luận: “Nếu các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động mạnh tay hơn những gì thị trường dự đoán thì đến một lúc nào đó nhà đầu tư sẽ bắt đầu thấy lo lắng.

Sau đó, phần bủ rủi ro sẽ gia tăng đối với hàng loạt loại tài sản, bao gồm chứng khoán của thị trường mới nổi... Chúng ta không thể loại trừ khả năng các điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt, thậm chí thắt chặt rất mạnh”.

Chia sẻ với Reuters, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleverland, cho biết do lạm phát gia tăng sau đại dịch, hầu hết các NHTW đã cùng nhau tăng lãi suất trong một năm qua. Giờ đây, việc chính sách giữa các nước bắt đầu khác nhau là điều bình thường.

Tuy nhiên, bà Mester cũng thừa nhận rằng nền kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Fed. Bà nhận xét: “Mỹ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn cầu, đúng chứ? Nếu chúng ta có thể đưa lạm phát về mức 2% một cách bền vững và kịp thời, nếu chúng ta có thể giữ vững thị trường lao động, thì đó cũng là chuyện tốt cho nền kinh tế thế giới”.

Không yên tâm

Tại cuộc họp chính sách ngày 19-20/9 tới, Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5%. Nếu dữ liệu về lạm phát và thị trường lao động  công bố trong thời gian tới cho thấy áp lực giá cả và tiền lương dịu bớt thì rất có thể dự đoán Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 25 bps nữa trong năm nay sẽ thành hiện thực.

Tuy nhiên, các quan chức Fed vẫn thấy khó hiểu và lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP  quý II đạt 2,4% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), cao hơn hẳn mức 1,8% mà các quan chức Fed cho là sẽ không thúc đẩy lạm phát. Theo một số ước tính, tăng trưởng GDP quý III của Mỹ thậm chí có thể lên đến gần 5%.

Fed nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần phải xuống thấp hơn xu hướng thông thường thì lạm phát mới có thể quay về mức 2%. Các thước đo phổ biến cho thấy lạm phát tại Mỹ lúc này cao hơn gấp đôi con số đó.

Theo tờ Reuters, hầu hết các quan chức Fed nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc khi xu hướng thắt chặt của chính sách tiền tệ và tín dụng thể hiện tác động rõ hơn và người dân tiêu hết tiền tiết kiệm tích lũy trong thời đại dịch.

Tại hội thảo Jackson Hole hôm 25/8, Chủ tịch Powell phát biểu: “Các lực cản đáng kể tới nền kinh tế có thể sẽ tiếp tục xuất hiện”.

Nhưng ông nói thêm rằng Fed cũng “chú ý đến các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể không hạ nhiệt như mong đợi”. Dữ liệu gần đây cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng vẫn “đặc biệt mạnh mẽ” và lĩnh vực nhà đất “có dấu hiệu phục hồi trở lại "

Fed chủ yếu tập trung vào dữ liệu lạm phát, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn xu hướng thông thường có thể làm suy yếu niềm tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống, đồng thời củng cố nỗi lo áp lực giá quay đầu tăng trở lại.

Chủ tịch Powell cảnh báo: “Nền kinh tế liên tục tăng trưởng cao hơn xu hướng thông thường có thể cản trở đà đi xuống của lạm phát và buộc chúng tôi thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa”.

Nhà kinh tế Gourinchas lưu ý rằng đây chính là thời khắc các quốc gia cần phải theo dõi và chuẩn bị. Ông nói: “Phần còn lại của thế giới cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho rủi ro rằng lạm phát tại Mỹ chưa thực sự suy yếu”.

Loading...