Rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái ngày càng rõ khi lợi suất trái phiếu dài hạn cao nhất 20 năm: Kỳ vọng 'hạ cánh mềm' của Fed bị dập tắt?
Hy vọng đạt mục tiêu “hạ cánh mềm” của Fed dường như đang gặp rủi ro, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu 10 năm đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007.
Việc lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng hơn 0,5 điểm phần trăm trong tháng qua, vượt 4,7%, đang làm tăng rủi ro cho thị trường tài chính giống như vụ sụp đổ của các ngân hàng hồi tháng 3. Về lâu dài, diễn biến này có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế khi chi phí đi vay với người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng cao.
R.J. Gallo, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Federated Hermes, quản lý khoảng 669 tỷ USD tài sản, cho hay: “Những gì đang diễn ra bắt đầu thể hiện sự lo ngại rằng cuối cùng Fed vẫn ‘hạ cánh cứng’.”
Điều tác động đặc biệt mạnh mẽ đến thị trường đó là lãi suất thực. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm - vốn có mối liên hệ với lạm phát, đã tăng vọt trong những tuần gần đây, lên mức gần như chưa từng có trong 2 thập kỷ qua.
Trong khi đó, giới chức Fed cho đến nay vẫn chưa thể hiện quan điểm mạnh mẽ về việc phản đối tăng lãi suất trong dài hạn. Tuần trước, Chủ tịch Fed New York John Williams phát tín hiệu rằng NHTW có thể đã hoàn thành việc tăng lãi suất. Song, ông cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ duy trì lãi suất ở mức cao “trong một thời gian” để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
Tham gia cộng đồng ZALO Giao Lộ Đầu Tư để trao đổi học hỏi kinh nghiệm chiến lược đầu tư hàng ngày
Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
Chia sẻ với Bloomberg TV, cựu Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida, nói rằng: “Các quan chức Fed vẫn chưa thực sự phản đối ý tưởng dừng tăng lãi suất.”
Ông nói thêm, việc tăng lãi suất “thực sự giúp ích phần nào cho nhiệm vụ của Fed” khi làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Mối rủi ro ở đây là việc lãi suất duy trì ở mức cao trong dài hạn sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn so với những gì Fed mong đợi. Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank hồi tháng 3 xảy ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng lên, một phần được thúc đẩy bởi những phát biểu cứng rắn của ông Jerome Powell.
Những cơn gió ngược
Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng của JPMorgan, cho hay: “Chúng ta nên lo ngại về tác động tiềm tàng trong ngắn hạn.”
Việc lãi suất tăng cao cũng diễn ra ở thời điểm nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với một số trở ngại, từ việc yêu cầu thanh toán trở lại với các khoản vay sinh viên cho đến cuộc đình công của nhân sự ngành sản xuất ô tô. Do đó, nhà kinh tế trưởng về Mỹ của Bloomberg Economics, Anna Wong, nhận định kinh tế Mỹ có thể đang trên bờ vực suy thoái.
Trong khi đó, các chuyên gia thị trường đã chỉ ra một số nguyên nhân đẩy lợi suất trái phiếu tăng. Trong số đó có tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về việc thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, nhu cầu mua trái phiếu chính phủ Mỹ từ nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có Trung Quốc) giảm sút và dự đoán Nhật Bản sẽ không còn áp dụng chính sách tiền tệ được nới lỏng trong những quý tới.
Môi trường lãi suất cao
Một số nhà kinh tế và đầu tư cũng nhắc đến những thông điệp không thống nhất từ các quan chức NHTW về quan điểm đối với lãi suất thực.
Julia Coronado, nhà sáng lập MacroPolicy Perspectives và cựu kinh tế gia của Fed, cho hay: “Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu trái ngược từ Fed.” Theo bà, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng cao, thì những yếu tố đó càng thúc đẩy đà tăng.
Điều khiến các nhà đầu tư không chắc chắn là việc các nhà hoạch định chính sách xác định chính xác lãi suất thực như thế nào. Các quan chức Fed đôi khi nói về các thước đo dựa theo lạm phát trong quá khứ, song đôi khi lại là các thước đo lạm phát trong tương lai.
Sự khác biệt này là rất quan trọng khi thị trường dự đoán về hướng đi chính sách trong tương lai của Fed. Hồi tháng 8, ông Williams cho rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào năm tới khi lạm phát hạ nhiệt.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester, lại có lập luận ngược lại. Bà cho hay: “Lợi suất thực phải dựa theo lạm phát dự kiến, chứ không phải là con số hiện tại.”
Tức là, lạm phát giảm tốc không có nghĩa Fed sẽ hạ lãi suất, trừ khi NHTW cũng hạ kỳ vọng đối với giá tiêu dùng. Trong khi đó, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, CPI lõi, tăng 3,9% trong tháng 8 và lạm phát dự kiến là khoảng 2,5% trong dài hạn.
Mức lãi suất trung tính (neutral rate)
Ông Powell cũng không có quan điểm rõ ràng về lãi suất trung tính - tức là mức lãi suất không thúc đẩy hay kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Phát biểu trước báo chí ngày 20/9, ông nói rằng lãi suất trung tính có thể đã tăng, ít nhất là tạm thời do nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhận định của ông được đưa ra trong bối cảnh nhà đầu tư nghĩ rằng lãi suất trung tính sẽ mãi ở mức cao sau đại dịch và một số nhà hoạch định chính sách cũng đưa ra ước tính riêng về con số này.
Theo Adam Abbas, đồng giám đốc bộ phận trái phiếu của Harris Associates, kết quả là, ông Powell đã “đổ thêm một ít dầu vào lửa” cho thị trường trái phiếu.
Dù lý do khiến lợi suất trái phiếu dài hạn tăng là gì thì đó cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách chú ý khi mọi thứ vượt tầm kiểm soát. Clarida cho hay: “Nếu diễn biến trở nên cực đoan và kéo dài, Fed có thể sẽ phải can thiệp.”
Tham khảo chiến lược đầu tư hiệu quả bền vững qua myfxbook Giao Lộ Đầu Tư
Tham gia cộng đồng ZALO Giao Lộ Đầu Tư để trao đổi học hỏi kinh nghiệm chiến lược đầu tư hàng ngày
Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
Tham khảo Bloomberg