Xung đột Israel-Hamas - nan giải những căn nguyên
Cuộc xung đột bùng phát mới đây giữa Israel và phong trào vũ trang Hamas của Palestine đã bổ sung thêm vào danh sách những cuộc đụng độ quân sự đẫm máu giữa người Palestine và Israel tại dải Gaza-mảnh đất chứng kiến nhiều đau thương, mất mát...
Theo New York Times, cuộc tấn công bất ngờ từ Gaza vào sâu trong lãnh thổ Israel của các tay súng Hamas đã tái diễn cơn ác mộng cách đây 50 năm, khi lực lượng quân sự của Ai Cập và Syria tấn công vào Israel tái chiếm các vùng lãnh thổ bị mất trong cuộc chiến Sáu ngày năm 1967. Cuộc tấn công này gây ra cuộc chiến kéo dài 19 ngày vẫn được biết tới là chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Các kênh truyền hình và báo chí Israel trong mấy ngày qua tràn ngập những hình ảnh gợi nhớ về cuộc chiến đó.
Nhiều người Israel cũng nhìn thấy những điểm tương đồng giữa cuộc chiến năm 1973 với cuộc xung đột bùng phát mới đây giữa Israel và Hamas. Nhưng rõ ràng điểm khác biệt cơ bản là vai trò của Hamas và mục tiêu của cuộc tấn công vào Israel hồi cuối tuần trước. Theo Báo The Guardian, việc chiếm lại vùng lãnh thổ ở Israel nằm ngoài tầm với của Hamas, vậy cuộc tấn công của Hamas nhằm đạt được mục đích gì và tại sao lại là lúc này?
Nhìn lại lịch sử xung đột giữa Israel và Hamas trong nhiều năm qua, đây không phải lần đầu tiên xảy ra đụng độ lớn giữa hai bên. Theo Reuters, kể từ khi Israel rút quân khỏi dải Gaza năm 2005, giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine, bao gồm Hamas và Jihad đã xảy ra nhiều lần xung đột với mức độ khác nhau. Trước cuộc xung đột hiện nay, giữa Israel và Hamas đã xảy ra 4 lần đụng độ vào các năm: 2008, 2012, 2014 và 2021. Cuộc xung đột đẫm máu nhất là năm 2014, kéo dài 7 tuần, khiến hơn 2.000 người Palestine và 74 người Israel (trong đó có 68 binh sĩ) thiệt mạng.
Theo Al Jazeera, Hamas đã giành quyền kiểm soát khu vực dải Gaza từ năm 2007 từ phong trào Fatah trong cuộc bầu cử quốc hội. Fatah và Hamas là hai phong trào có vai trò chủ đạo ở Palestine, nhưng mỗi bên lại theo đuổi lập trường khác nhau trong vấn đề Israel cho dù đều nhắm tới đích thành lập một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967. Trong khi Hamas chủ trương đối đầu với Israel bằng vũ lực và không công nhận Israel, không đàm phán với Nhà nước Do Thái thì Fatah theo đuổi con đường đàm phán hòa bình. Lực lượng Hamas đi theo hệ tư tưởng Hồi giáo trong khi Fatah theo thế tục. Hệ lụy của thực trạng chia rẽ này đó là các cuộc xung đột không thể ngăn chặn xảy ra thường xuyên giữa Hamas và Israel với quy mô và mức độ khác nhau.
Có thể thấy các cuộc xung đột bùng phát gần đây giữa Israel và Hamas đều liên quan tới yếu tố tôn giáo. Theo Wall Street Journal, trước khi bùng nổ cuộc xung đột hôm 7-10 vừa qua, lần gần nhất Israel và Hamas xảy ra xung đột toàn diện là năm 2021 sau những cuộc đối đầu leo thang giữa hai bên ở Jerusalem, trong đó có vụ lực lượng an ninh Israel đột kích vào khu phức hợp đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở thánh địa Jerusalem khiến Hamas tấn công tên lửa vào Israel để trả đũa. Trong cuộc tấn công ngày 7-10, Hamas đổ lỗi cho hành vi "xúc phạm" nhà thờ Al-Aqsa từ phía Israel. Đền Al-Aqsa ở Đông Jerusalem là một trong những địa điểm bị tranh chấp khốc liệt nhất trên thế giới và chứng kiến các cuộc đụng độ đẫm máu giữa các tín đồ Hồi giáo với các lực lượng Israel. Hamas đã gọi vụ tấn công mới nhất là "Chiến dịch Bão Al-Aqsa".
Các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa quân đội Nhà nước Do Thái với các tay súng Hamas là một trong những yếu tố khiến cuộc xung đột Israel-Palestine khó tìm được giải pháp hòa bình. Theo The Guardian, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng điều then chốt quyết định thời điểm Hamas phát động tấn công là quá trình bình thường hóa đang tăng tốc giữa Israel với các nước Arab, vốn được sự hỗ trợ đầu tiên của chính quyền Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump thông qua thúc đẩy ký kết Hiệp định hòa bình Abraham giữa Israel với các nước Arab và giờ đây là dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Ngoài ra, Hamas tiến hành các cuộc xung đột gần như định kỳ chống Israel vì lý do chính trị, để củng cố sự ủng hộ ở Gaza và các nơi khác, và để bảo đảm vai trò liên tục của Hamas. Theo RFI, ông David Khalfa, đồng giám đốc Đài Quan sát Bắc Phi và Trung Đông, Quỹ Jean-Jaurès, cho rằng, phong trào Hamas cần đánh bóng lại hình ảnh trước sự “qua mặt” của nhóm Hồi giáo Jihad.
Còn nếu đặt xung đột giữa Israel và Hamas trong bối cảnh xung đột Israel và Palestine thì có thể thấy tranh chấp lãnh thổ luôn là vấn đề cực kỳ nan giải. Cũng giống như nhiều nước ở Trung Đông, Hamas phẫn nộ với việc thành lập nước Israel năm 1948. Theo trang Skynews, Hamas và các nhóm Palestine khác cho rằng lãnh thổ của họ bị đánh cắp, và người Palestine là chủ sở hữu. Trong khi đó, những người ủng hộ Israel cho rằng khu vực này là quê hương tổ tiên của người Do Thái, vốn đã bị lưu đày sau cuộc xâm lược của Đế quốc Babylon hơn 2.500 năm trước.
Theo RFI, ngày 29-11-1947, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ra nghị quyết, khuyến nghị phân chia lãnh thổ của người Israel, từng là thuộc địa của Anh quốc thành khu vực cho Nhà nước Do Thái, các nước Arab và khu vực Thánh địa tách biệt. Tuy nhiên, bạo lực đã nổ ra ngay lập tức giữa phe Do Thái và phe Arab. Israel được tuyên bố độc lập ngày 14-5-1948 thì ngay hôm sau các quốc gia láng giềng Arab đã tham chiến. Kết quả là Israel đã chiếm đóng một nửa lãnh thổ mà LHQ vốn chia cho các nước Arab. Theo Sky News, tại khu vực Bờ Tây thuộc vùng lãnh thổ Palestine mà Israel chiếm đóng, nhiều khu vực định cư của người Do Thái được xây dựng, kéo theo nhiều hệ lụy mà đỉnh điểm là các cuộc đụng độ không dứt giữa người Palestine và Israel.