Xung đột ở Trung Đông và các dữ liệu kinh tế chi phối tâm lý các nhà đầu tư
Giới đầu tư đang dõi theo các dấu hiệu cho thấy xung đột ở Trung Đông có thể leo thang và có khả năng làm gia tăng biến động thị trường hay không, giữa bối cảnh họ cũng đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần tới.
Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng hơn về một cuộc xung đột ngày càng gia tăng trong những ngày gần đây, sau khi Mỹ điều động thêm khí tài quân sự tới Trung Đông, trong khi Israel đáp trả các mục tiêu ở Gaza.
Randy Frederick, Giám đốc điều hành hoạt động giao dịch và phái sinh của Charles Schwab, cho biết: “Tình hình ở Israel đang gây ra nhiều lo lắng”.
Vào phiên giao dịch cuối tuần trước (27/10), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 2,9%, lên mức 90,48 USD/thùng do lo ngại xung đột có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu. Trong khi đó, giá vàng giao ngay, nơi trú ẩn an toàn phổ biến cho các nhà đầu tư trong thời kỳ bất ổn, lần đầu tiên vượt qua mức 2.000 USD kể từ giữa tháng 5/2023.
Trong một lưu ý hôm 27/10, các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết phản ứng của thị trường dầu mỏ đối với cuộc xung đột cho đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”. Theo họ, điều đó nói lên rằng, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia khác trong khu vực đang tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột sẽ khiến giá dầu tăng mạnh.
Một số nhà đầu tư cho rằng xung đột ngày càng gia tăng có thể thúc đẩy việc mua trái phiếu chính phủ làm “kênh trú ẩn an toàn”. Điều này có thể làm giảm mức tăng lợi suất, vốn tác động ngược chiều với giá cả, qua đó giảm bớt áp lực lên cổ phiếu và các tài sản khác.
Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã giảm hơn 10% kể từ cuối tháng 7/2023, thời điểm đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023, mặc dù chỉ số này đã tăng hơn 7% tính đến thời điểm hiện tại.
UBS Global Wealth Management cho biết trong một báo cáo hôm 27/10: “Cho đến nay, trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn chưa chứng tỏ được chức năng là nơi trú ẩn an toàn vốn có. Tuy nhiên, sự leo thang của xung đột có thể sẽ chuyển sự chú ý ra khỏi những lo ngại về chính sách tiền tệ và thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với trái phiếu”.
Cả vàng và dầu đều có thể trở thành những “tấm chắn phòng ngừa rủi ro trước những biến động trong ngắn hạn”. Chỉ số biến động thị trường VIX (Cboe Volatility Index) đã tăng sau cuộc xung đột và tăng vào ngày 27/10, đạt mức cao nhất trong 7 tháng.
Trong khi đó Fed chuẩn bị đưa ra tuyên bố về chính sách tiền tệ mới nhất vào ngày 1/11 tới, giữa lúc các doanh nghiệp lớn tiếp tục mùa báo cáo lợi nhuận quý III.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
- Chiến lược đầu tư hiệu quả bền vững của Giao Lộ Đầu Tư xem báo cáo qua Myfxbook
Minh Trang (Theo Reuters)