1/10: Dầu giảm 17% trong quý III vì nhu cầu toàn cầu đang suy yếu
Giá dầu không mấy thay đổi trong phiên giao dịch ngày 30/9, nhưng giảm 17% trong quý III do lo ngại về nhu cầu toàn cầu đang suy yếu lấn át lo ngại về nguồn cung dầu thô vì xung đột leo thang ở Trung Đông.
Giá dầu không mấy thay đổi trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/9), nhưng giảm 17% trong quý III do lo ngại về nhu cầu toàn cầu đang suy yếu lấn át lo ngại về nguồn cung dầu thô vì xung đột leo thang ở Trung Đông.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 27 US cent xuống 71,81 USD/thùng và giá dầu thô WTI giảm 1 US cent xuóng 68,17 USD/thùng. Nhưng dầu Brent giảm khoảng 3% trong tuần trước, và dầu WTI giảm khoảng 5%.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/10, giá dầu phục hồi. Tại thời điểm 5h45 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 0,15% lên 71,99 USD/thùng và giá dầu WTI gần như đi ngang ở. 68,3 USD.
Giá dầu Brent đã giảm 9% trong tháng 9, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2022; đồng thời đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp. Tính chung trong quý III, giá dầu Brent đã giảm 17%, mức giảm hàng quý lớn nhất trong một năm.
Dầu thô Mỹ cũng đã giảm 7% trong tháng 9, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2023 và giảm 16% trong quý III, ghi nhận mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ quý III/2023.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, giá được hỗ trợ bởi khả năng Iran, một trong những nhà sản xuất chính và thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), có thể trực tiếp bị lôi kéo vào cuộc xung đột ngày càng leo thang ở Trung Đông.
Từ tuần trước, Israel đã gia tăng các cuộc tấn công, tiến hành tiêu diệt các thủ lĩnh Hezbollah và Hamas ở Lebanon cũng như tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Ba nhóm được Iran hậu thuẫn.
Ông Tim Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador Economics, cho biết thị trường đang cân nhắc liệu xung đột Trung Đông có lan rộng trong khu vực hay không.
Thị trường dầu gần như không phản ứng trước thông báo của Bắc Kinh vào tuần trước về các biện pháp kích thích tài khóa tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu dầu hàng đầu.
Các nhà giao dịch đặt câu hỏi liệu các biện pháp này có đủ để thúc đẩy nhu cầu yếu hơn dự kiến của Trung Quốc trong năm nay hay không.
Những lo ngại về nguồn cung dầu thô toàn cầu tăng cũng đang gây áp lực lên giá trong tháng trước.
Giá dầu giảm sâu trong tuần trước do có thông tin cho rằng Arab Saudi, nhà lãnh đạo của OPEC, đang chuẩn bị từ bỏ mục tiêu giá dầu thô không chính thức là 100 USD/thùng khi nước này chuẩn bị tăng sản lượng, theo Reuters.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư