Cán Cân Thương Mại (Trade Balance) là gì ?
Cán cân thương mại (trade balance) là bảng quyết toán về chênh lệch giữa giá trị về mặt tiền tệ của nhập khẩu và xuất khẩu trong một nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (quý hoặc năm).
Dù bạn là chuyên gia kinh tế hay bạn mới chập chững tham gia đầu tư tài chính thì bạn hẳn đều quen thuộc với thuật ngữ Cán cân thương mại (Trade balance). Là một mục trong tài khoản vãng lai (current account) của cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payment), Trade Balance đóng vai trò vô cùng quan trọng như một bức tranh tổng thể về tình hình xuất nhập khẩu của bất kỳ quốc gia nào.
Với mục đích giúp các bạn mới bắt đầu tiếp cận với những kiến thức chuyên ngành kinh tế tài chính, trong bài viết này sẽ tổng hợp một cách hệ thống và dễ hiểu nhất những khái niệm và vấn đề liên quan đến Cán cân thương mại (Trade balance). Mời các bạn cùng tham khảo nhé!
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại CHANNEL TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
Những nội dung chính trong bài viết này bao gồm:
- Cán cân thương mại (trade balance) là gì?
- Vai trò của cán cân thương mại (trade balance) đối với nền kinh tế
- Những yếu tố ảnh hưởng đến trade balance
- Thâm hụt thương mại (trade deficit) và nguyên nhân dẫn đến thâm hụt thương mại
Cán cân thương mại (trade balance) là gì?
Cán cân thương mại (trade balance) là bảng quyết toán về chênh lệch giữa giá trị về mặt tiền tệ của nhập khẩu và xuất khẩu trong một nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (quý hoặc năm). Như vậy, dữ liệu thống kê được sử dụng để tính toán cán cân thương mại là giá trị tính bằng tiền tệ của tất cả các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia. Cán cân thương mại còn được gọi là xuất khẩu ròng (Net Exports).
Nhìn chung, cán cân thương mại của một quốc gia có thể rơi vào một trong ba tình huống: thặng dư, thâm hụt và cân bằng. Để tính toán cán cân thương mại âm hay dương, bạn dựa trên công thức tính:
Cán cân thương mại = Giá trị xuất khẩu – Giá trị nhập khẩu
Trong đó:
Giá trị xuất khẩu: là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được bán cho người mua ở các quốc gia khác.
Giá trị nhập khẩu: là giá trị của hàng hóa và dịch vụ được mua từ người bán ở các quốc gia khác.
Như vậy, nếu xuất khẩu vượt quá nhập khẩu hay mức chênh lệch có giá trị dương thì quốc gia đó có sự thặng dư thương mại (trade surplus), và bản báo cáo trade balance đó được coi là tốt. Ngược lại nếu nhập khẩu vượt trội so với xuất khẩu hay mức chênh lệch có giá trị âm thì quốc gia đó có sự thâm hụt thương mại (trade deficit) và báo cáo trade balance trong trường hợp ấy thường bị coi là xấu.
Tuy nhiên, cần lưu ý là các khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu, xuất khẩu ròng, thặng dư/thâm hụt thương mại trong lý luận thương mại quốc tế mang ý nghĩa rộng hơn trong cách xây dựng bảng biểu cán cân thanh toán quốc tế bởi lẽ chúng bao gồm cả hàng hóa lẫn dịch vụ.
Trade balance bao gồm sự giao dịch của những loại sản phẩm như các loại mặt hàng công nghiệp, nguyên liệu thô và những sản phẩm nông nghiệp, cũng như du lịch và vận chuyển. Trade balance cũng tương tự như sự chênh lệch giữa đầu ra của một quốc gia và nhu cầu địa phương (tức là sự chênh lệch giữa những mặt hàng mà quốc gia đó sản xuất và số mặt hàng mà nước đó mua từ nước ngoài về.
Tuy nhiên Trade balance không bao gồm số tiền được tiêu lại vào thị trường cổ phiếu trong nước, và cũng không bao gồm việc nhập khẩu các mặt hàng để sản xuất cho thị trường địa phương. Trên quy mô toàn cầu, tổng giá trị tài khoản vãng lai của tất cả các quốc gia cộng lại sẽ bằng không, bởi thặng dư của quốc gia này sẽ được bù trừ bởi thâm hụt của quốc gia khác.
Cục Thống kê dân số thuộc Bộ thương mại Mỹ chịu trách nhiệm công bố số liệu về cán cân thương mại của nước này vào ngày thứ Năm thứ ba của mỗi tháng. Trong khi đó, tại Việt Nam Tổng cục Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.