Candle Range Theory (CRT) - Tín hiệu vào lệnh mạnh mẽ trong trong ICT
Trong ICT có một khái niệm kỹ thuật cực kỳ mạnh mẽ đó là Candle Range Theory (CRT), đây là tín hiệu cho thấy thị trường có sự thay đổi

Trong ICT có một khái niệm kỹ thuật cực kỳ mạnh mẽ đó là Candle Range Theory (CRT), đây là tín hiệu cho thấy thị trường có sự thay đổi hướng đi mạnh mẽ và trader có thể tận dụng tín hiệu này để tìm kiếm cơ hội vào lệnh có xác suất thắng cao.
Và khái niệm này mình cũng đã có nói trong seri về hệ thống SMC của ICT rồi. Tuy nhiên bài viết hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết hơn về mẫu hình CRT và cách áp dụng nó vào trong quá tình giao dịch như thế nào nhé.
Candle Range là gì?
Trước khi hiểu về Candle Range (hay còn gọi là phạm vi nến) thì chúng ta cần hiểu một vài kiến thức cơ bản về nến trước nhé.
Mỗi nến ở khung thời gian cao hơn sẽ đại diện cho một phạm vi ở khung thời gian thấp hơn. Vì thế nên mức cao nhất của một nến sẽ đại diện cho mức cao nhất của phạm vi giá ở khung thời gian thấp hơn và nó còn được gọi là CRT-High, ngược lại mức thấp của nến ở khung thời gian cao hơn sẽ đại diện cho phạm vi thấp nhất ở khung thời gian thấp hơn và nó được gọi là CRT-Low.
Các bạn nhìn vào hình bên dưới, đây là nến ở khung H4:

Và như khái niệm trên thì đỉnh và đáy của nến trên khung H4 sẽ là đỉnh và đáy của phạm vi ở khung thời gian thấp hơn, chẳng hạn như khung M15 bên dưới đây:

Đây chính là khái niệm về phạm vi nến.
Khái niệm CRT
CRT được dựa trên việc giá quét thanh khoản phạm vi của nến trước đó và sau đó chạy tới mức thanh khoản tiếp theo. Giống như nếu giá lấy được thanh khoản ở đáy của nến trước đó thì chúng ta có thể kỳ vọng giá sẽ tiến về mức đỉnh của phạm vi nến và ngược lại.
Mô hình CRT tăng giá
Nếu như giá đang ở mức hỗ trợ quan trọng của khung thời gian cao hơn thì bạn có thể tìm kiếm mô hình CRT tăng giá.
Đối với mô hình CRT tăng giá thì bạn cần đánh dấu mức giá cao nhất và thấp nhất của nến đã đóng cửa ở mức hỗ trợ. Việc tiếp theo đó là chờ cho giá lấy đi mức giá thấp nhất của nến trước đó và đóng cửa lên trên mức giá thấp nhất này.
Sau khi xuất hiện tín hiệu này thì bạn có thể đợi một nến khác đóng cửa trên đỉnh của nến đã phá vỡ mức giá thấp nhất trước đó hoặc đơn giản là bạn có thể tìm kiếm sự thay đổi cấu trúc (MSS) ở khung thời gian thấp hơn và thực hiện giao dịch mua khi giá quay trở lại kiểm tra.
Tất cả những tín hiệu này có thể chỉ xảy ra trong vòng 3 nến thôi nhưng đôi khi giá cũng có thể tích lũy sau cú quét đáy thấp nhất trước đó nên có thể sẽ nhiều hơn 3 nến.
Các bạn nhìn hình bên dưới là một ví dụ:

Giá hiện tại đang ở khối FVG của khung H2 và các bạn thấy thị trường đã hình thành nến quét đáy nến trước đó và một nến nữa tăng lên đóng cửa phía trên đỉnh của nến quét đáy. Như vậy là mô hình CRT tăng giá đã được hình thành, chúng ta có thể di chuyển xuống khung thời gian thấp hơn, đó là khung M5 để tìm tín hiệu vào lệnh.
Các bạn nhìn tiếp khung M5 bên dưới:

Có tín hiệu thay đổi cấu trúc qua tăng giá được hình thành, lúc này chúng ta có thể thực hiện giao dịch mua khi giá quay lại kiểm tra khối FVG và điểm dừng lỗ được đặt bên dưới mức giá thấp nhất trước đó và chốt lời có thể nhắm đến mục tiêu mức thanh khoản là CRT-High hoặc vùng thanh khoản tiếp theo.
Mô hình CRT giảm giá
Nếu như giá đang ở mức kháng cự quan trọng của khung thời gian cao hơn thì bạn có thể tìm kiếm mô hình CRT giảm giá.
Đối với mô hình CRT giảm giá thì bạn cần đánh dấu mức giá cao nhất và thấp nhất của nến đã đóng cửa ở mức kháng cự. Việc tiếp theo đó là chờ cho giá lấy đi mức giá cao nhất của nến trước đó và đóng cửa xuống dưới mức giá cao nhất này.
Sau khi xuất hiện tín hiệu này thì bạn có thể đợi một nến khác đóng cửa xuống đáy của nến đã quét đỉnh trước đó hoặc đơn giản là bạn có thể tìm kiếm sự thay đổi cấu trúc (MSS) qua giảm giá ở khung thời gian thấp hơn và thực hiện giao dịch bán khi giá quay trở lại kiểm tra.
Và tương tự, quá trình này đôi khi chỉ diễn ra trong vòng 3 nến nhưng cũng có khi giá tích lũy thì số nến có thể nhiều hơn.
Dưới đây là một ví dụ, các bạn nhìn khung H4 bên dưới:

Chúng ta có đỉnh/đáy của CRT đã được đánh dấu và giá sau đó quét đỉnh nến và quay ngược xuống đóng cửa xuống bên dưới mức đỉnh, nến tiếp theo nữa đã vượt qua mức đáy của nến quét đỉnh, lúc này mọi điều kiện đã đủ thì bạn có thể về khung thời gian thấp hơn tìm cơ hội vào lệnh.
Các bạn nhìn khung M5 bên dưới:

Như vậy là thị trường đã có tín hiệu thay đổi cấu trúc qua giảm giá cho nên chúng ta có thể canh bán được với điểm dừng lỗ phía trên đỉnh nến quét thanh khoản hoặc trên đỉnh của cú MSS. Chốt lời ở vùng thanh khoản tiếp theo hoặc đơn giản là ở đáy của CRT.
Lưu ý khi giao dịch thiết lập CRT
Có một vài điểm anh em cần lưu ý khi giao dịch mô hình CRT này như sau:
- Thiết lập CRT sẽ có xác suất cao hơn nếu như các bạn tìm nó trong vùng hủy diệt hoặc tín hiệu quét thanh khoản phiên giao dịch.
- Về cơ bản thì CRT chính là ứng dụng của mô hình Po3/AMD, tức là đầu tiên giá sẽ tích lũy trước và sau đó bị thao túng bằng cách di chuyển theo một hướng và lấy đi thanh khoản ngắn hạn và tiếp theo là phân phối bằng cách di chuyển theo hướng ngược lại.
- Khi đỉnh hoặc đáy của CRT bị quét thì khả năng giá sẽ di chuyển về đỉnh đáy hoặc đỉnh đối diện.
- Đỉnh hoặc đáy của CRT cũng có thể là đỉnh hoặc đáy của ngày giao dịch trước đó hoặc là đỉnh đáy của phiên giao dịch trước đó.
Đây không phải khái niệm mới trong ICT, nhưng nếu biết cách áp dụng nó có thể cung cấp cho các anh em trader những thiết lập có xác suất cao và tỷ lệ risk:reward cũng cực kỳ có lợi thế cho chúng ta.