Làn sóng “Trump Trade” liệu có thể tiếp tục kéo dài?
"Trump Trade" được dự đoán sẽ tiếp tục chi phối thị trường, với các chính sách trong nhiệm kỳ tới. Sự biến động có thể trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn khi Trump tìm cách phá vỡ các chuẩn mực trong vấn đề thương mại tự do và thậm chí là sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhanh chóng đẩy giá cổ phiếu Mỹ, đồng USD và Bitcoin tăng cao và tái định hình triển vọng đầu tư.
Nhưng liệu làn sóng "Trump Trade" liệu có thể tiếp tục? Các tài sản từ cổ phiếu đến trái phiếu doanh nghiệp đều có vẻ đắt đỏ so với dữ liệu trong lịch sử và các chính sách bảo hộ có nguy cơ làm lạm phát bùng phát trở lại. Thêm vào đó, nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng phình to và thị trường lao động suy yếu, có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Và hãy nhớ rằng: trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump vào năm 2016, các canh bạc quan trọng - như đặt cược vào doanh nghiệp vừa và nhỏ và đồng USD - đều đã thất bại.
"Trump Trade" là gì?
Khái niệm "Trump Trade" xuất hiện sau chiến thắng trong cuộc đua tổng thống đầu tiên của Trump vào năm 2016, với sự tăng vọt của chứng khoán Mỹ và đồng USD - tương tự như những gì đã xảy ra sau cuộc bầu cử tháng 11 năm nay. Một hiện tượng tương tự như 8 năm trước cũng xuất hiện: Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng nằm trong số những cổ phiếu tăng mạnh nhất, nhờ kỳ vọng về việc giảm gánh nặng pháp lý, trong khi cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng vọt do lạc quan về việc giảm thuế và các chính sách đầu tư mới. Nhìn chung, những động thái này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào các chính sách của chính quyền Trump nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.
Phản ứng của thị trường liệu có giống như 8 năm trước?
Cũng như sau cuộc bầu cử năm 2016, đồng USD đã tăng vọt. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 thậm chí đã chạm mức đỉnh mới sau cuộc tranh cử năm 2024 nhờ những cam kết cắt giảm thuế của Đảng Cộng hòa, trong khi cổ phiếu ngân hàng và chỉ số Russell 2000 - đo lường hiệu suất cổ phiếu của các công ty có vốn hóa thị trường tương đối nhỏ - đã có hiệu suất vượt trội hơn thị trường chung. Tuy vậy, phản ứng của thị trường trái phiếu lại khá trái chiều. Sau khi tăng vọt vào ngày đầu tiên sau cuộc bầu cử, lợi suất Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm trở lại trong hai phiên tiếp theo trước khi tăng trở lại. Sự biến động này phản ánh những nghi ngờ của thị trường về hướng đi tiếp theo của “Trump Trade". Thêm vào đó, Fed hiện đang trong lộ trình hạ lãi suất
Tiền điện tử là một tài sản quan trọng của làm sóng "Trump Trade" lần này, do lời hứa của ông về việc thực hiện những chính sách mang tính tiến bộ hơn, có lợi cho tài sản kỹ thuật số, và tạo ra kho dự trữ Bitcoin chiến lược của Mỹ. Tất cả những điều đó đang thúc đẩy cả các nhà giao dịch nhỏ lẻ và các định chế tài chính lớn đầu tư hàng tỷ USD vào tiền kỹ thuật số, đẩy giá các tài sản liên quan lên mức cao kỷ lục.
Ảnh hưởng tới Phố Wall
Chính sách của chính quyền mới sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực lên nhiều ngành công nghiệp lớn. Năng lượng tái tạo là một trong số đó, vì vị tân tổng thống từ lâu đã chỉ trích các chính sách khí hậu là "trò lừa đảo mới". Đối với cổ phiếu và tiền pháp định từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ, chẳng hạn như Châu Âu và Trung Quốc, mối đe dọa của Trump về việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ là một rủi ro. Việc tăng thuế cũng có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ bằng cách làm gia tăng lạm phát.
Có phải mỗi nhiệm kỳ tổng thống mới đều tạo ra một xu hướng giao dịch khác nhau?
Điều này không thường xuyên xảy ra, ngay cả khi các nhà giao dịch luôn cố gắng phát hiện ra người chiến thắng và kẻ thua cuộc khi một chính quyền mới được chuyển đến Nhà Trắng. Việc ông Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ đắc cử vào năm 2020 được coi yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu xe điện và cần sa nhưng lại là một tai họa cho các nhà tù tư nhân.
Nhưng Trump là trường hợp đặc biết. Hiếm khi thị trường phản ứng đồng loạt với quy mô lớn như hiện tại đối với triển vọng về tổng thống mới. Chiến thắng của Trump năm 2016 đã thách thức các dự đoán dựa trên các cuộc thăm dò lớn. Ban đầu, điều này đã gây ra sự sụt giảm 5% trong hợp đồng tương lai S&P 500, nhưng khoản lỗ đã bị xóa sạch vài giờ sau đó khi các nhà giao dịch nhanh chóng chấp nhận các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của ông.
Lần này, S&P 500 đã tăng 2.5%, đánh dấu đà tăng hậu bầu cử tốt nhất trong lịch sử, khi Trump nổi lên là người chiến thắng tuyệt đối trong cuộc đua được dự báo là rất sát sao.
Trump có phải tác nhân chính cho mức tăng trưởng chung của thị trường?
Thị trường có xu hướng tăng trong dài hạn bất kể ai đứng đầu Nhà Trắng và mối tương quan giữa các đời tổng thống và hiệu suất của cổ phiếu nói chung dường như rất mong manh.
Lợi nhuận của S&P 500 dưới thời Biden đang tốt hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên Trump. Ngoài ra, cổ phiếu đã tăng đà từ rất lâu trước khi Trump đắc cử trong năm 2016. Lý do là ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Fed đã chuyển sang chế độ giải cứu thị trường, giúp duy trì sự mở rộng mạnh mẽ của nền kinh tế. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã tiếp tục dưới thời tổng thống Biden với các công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ đã dẫn dắt thị trường trong thời gian phong tỏa của đại dịch COVID và cơn sốt trí tuệ nhân tạo gần đây.
Năm nay, cổ phiếu và lợi suất trái phiếu đã bắt đầu tăng vài tháng trước khi khả năng chiến thắng của Trump tăng lên trên thị trường dự báo. Đà tăng này được thúc đẩy bởi một nền kinh tế tỏ ra kiên cường hơn dự kiến.
Động lực từ "Trump Trade" có thể kéo dài bao lâu?
Đây là điều khá khó nói. Động lực từ cuộc bầu cử năm 2016 đã bắt đầu giảm dần chỉ vài tháng sau đó. Vào thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu tổng thống năm 2020, một loạt các giao dịch theo Trump - đồng USD mạnh hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc cao hơn và hiệu suất vượt trội của cổ phiếu ngân hàng và vốn hóa nhỏ - đã suy yếu mạnh mẽ do sự bất ổn đến từ đại dịch COVID.
Nền kinh tế và thị trường ở thời điểm hiện tại đang trong giai đoạn trưởng thành hơn so với 8 năm trước. S&P 500 được giao dịch ở mức P/E 26x, cao hơn 35% so với năm 2016. Điều này cho thấy thị trường còn ít dư địa về mặt định giá để tiếp tục đà tăng, khiến nhà đầu tư phải đánh giá cẩn trọng hơn tác động từ các chính sách của Trump, chẳng hạn như vấn đề cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc cắt giảm thuế mà không cắt giảm chi tiêu một cách tương xứng có nguy cơ làm lạm phát gia tăng trở lại, buộc Fed phải cân nhắc lại về lộ trình hạ lãi suất. Sự biến động gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc đang phản ánh lo ngại này.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư