Market Profile - công cụ của các trader đẳng cấp
Tôi dự định sẽ làm một chuỗi bài viết về Market Profile, mở màn bằng bài giới thiệu đôi nét về công cụ này để các bạn hiểu nó là gì trước đã. Sau đó, tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những kiến thức về nó và cuối cùng là phương pháp phân tích và tìm điểm vào lệnh bằng Market Profile như thế nào. Đây hứa hẹn sẽ là chuỗi bài viết hữu ích cho những ai chưa biết về công cụ này, hoặc đã biết rồi nhưng chưa biết rõ và chưa biết cách sử dụng. Anh em ghé ngang nếu thấy hay vui lòng like hoặc comment một cái để mọi người cùng vui nhé.
MARKET PROFILE LÀ GÌ, CÓ ĂN ĐƯỢC KHÔNG ?
Market profile tôi quăng lên Google dịch thì nhận được kết quả là "Hồ sơ thị trường". Tôi bèn copy qua Bing xem như thế nào thì tôi vẫn thấy Bing dịch là "Hồ sơ thị trường".
Cá nhân tôi không ưng cái tên này lắm, nhưng nếu tên nó là hồ sơ thì nó phản ánh đúng bản chất của công cụ này rồi đấy. Vì có một số thông tin của giá theo khía cạnh khối lượng được phản ánh qua công cụ này, nên gọi là hồ sơ cũng có lý. Nhưng thôi, tôi cứ gọi là Market Profile cho đúng ý nghĩa của nó nhé. Anh em nào muốn gọi sao thì gọi, miễn sao hiểu nhau nói gì là được.
Market profile được phát triển bởi Peter Steidlmayer vào nửa cuối thế kỷ trước. Đây là một công cụ vô cùng hiệu quả nếu hiểu rõ bản chất và cách sử dụng. Nó không giống như những công cụ thông thường như EMA, RSI, MACD hay Bollinger Bands. Nó hoạt động độc lập với giá, không tính toán dựa trên giá mà cốt lõi của nó chính là khối lượng.
Khối lượng thì cũng bình thường, vì công cụ này được nói ca tụng khắp mọi nơi rồi. Nhưng điều đặc biệt ở đây là Market Profile thể hiện khối lượng theo từng mức giá.
Ví dụ, tại mức giá 1.1 thì có bao nhiêu khối lượng giao dịch được khớp, tại mức giá 1.2 thì có bao nhiêu khối lượng được khớp, và cứ thế...
Tại sao chúng ta cần phải biết những điều này? Hay nói cách khác, tại sao khối lượng tại các mức giá lại ý nghĩa đối với trader?
Xin trả lời rằng: có phải trước khi biết đến Market Profile, các bạn vẫn đang cố công đi tìm các mức kháng cự / hỗ trợ. Bản chất của kháng cự / hỗ trợ chính là nơi cân bằng của giá, là nơi tập hợp số lượng người mua và người bán đồng ý giao dịch với nhau nhiều nhất so với các mức giá gần đó. Kháng cự / hỗ trợ chính là mức giá hợp lý nhất mà cả người mua và người bán đều hài lòng, do đó họ sẽ khớp nhiều nhất.
Market Profile sẽ cho chúng ta biết mức giá nào khối lượng giao dịch được khớp nhiều nhất, hoặc mức giá nào tập hợp nhiều người mua và người bán nhất. Từ đó, chúng ta có thể xác định dễ dàng và chính xác kháng cự / hỗ trợ mà trước kia toàn phải dựa vào kinh nghiệm để vẽ.
Nếu bạn chưa hình dung được cái tôi nói là gì thì cũng không sao, tôi có ví dụ cho bạn đây:
Trên đây là biểu đồ Market Profile tích lũy của cặp USDJPY. Bạn thấy đó, Market Profile sẽ cung cấp cho bạn một thông tin cực kỳ quý giá: tại mức 113.83 người mua và người bán tập trung đông nhất, khớp lệnh nhiều nhất, và hài lòng nhất. Như vậy, mức 113.83 chính là mức giá làm kháng cự / hỗ trợ đáng tin cậy.
Tuy nhiên đây chỉ là một trong những công dụng hữu ích của Market Profile (MP), tôi sẽ còn chia sẻ nhiều nhưng hiện tại tôi muốn các bạn hình dung nó là gì trước đã.
Điểm kiểm soát - Point of Control (POC)
Mức giá 113.83 ở trên chính là Point of Control đấy các bạn.
Những thuật ngữ ở đây tôi sẽ sử dụng tên tiếng Anh hết, bởi vì dịch ra tiếng Việt nó không còn đúng ý nghĩa gốc nữa.
Point of Control, gọi tắt là POC là mức giá có nhiều khối lượng nhất trong số các mức giá có nhiều khối lượng.
Như bạn đã thấy ở hình trên, cả một vùng màu tím chính là vùng tập hợp các mức giá được giao dịch nhiều nhất, nhưng trong vùng đó thì giá 113.83 có nhiều khối lượng hơn cả. Do đó, 113.83 được gọi là POC.
Không nhất thiết POC phải nằm chính giữa của vùng đó nhé các bạn. Có thể lệch sang trái, hoặc lệch sang phải. Tùy thuộc vào cung cầu thị trường, chúng ta không biết được và nó chẳng liên quan gì đến giá.
Dưới đây là ví dụ cho những gì tôi nói:
CÒN LỢI ÍCH GÌ NỮA KHÔNG ?
Bất cứ thị trường nào cũng vậy, đều có những tai to, mặt lớn gọi là Big boys. Khả năng của họ là lái thị trường trong phút chốc hoặc lâu hơn. Muốn chiến thắng trên thị trường thì cần phải chú ý đến họ và biết được họ hành động như thế nào. Sử dụng tốt công cụ Market Profile chính là lợi thế của chúng ta.
Bởi vì một lần họ đập tiền vào thị trường thì số tiền đó không phải nhỏ, và họ đánh vào mức giá nào, tất cả đều phản ánh lên Market Profile. Đó chính là công dụng tiếp theo của Market Profile - in dấu chân của người khổng lồ. Việc còn lại của chúng ta là ướm theo dấu chân đó mà đi thôi.
Khi trade với Market Profile hãy nhớ một nguyên tắc: Big volumes = Big players.
Nhiều thanh khoản = Nhiều tay to
KHUNG THỜI GIAN NÀO THÍCH HỢP CHO MARKET PROFILE ?
Cái này thì còn phải nói nhiều, bởi vì tùy vào bạn sử dụng Market Profile thường hay tích lũy nữa. Nhiều cái hay ở phía trước lắm.
Từ nãy giờ tôi mới giới thiệu cho bạn Market Profile tích lũy thôi. Ví dụ như hình bên trên chí là Market Profile tích lũy của một ngày trên cặp USDJPY.
Hoặc như hình bên dưới là MP tích lũy cho giai đoạn 16.8.2017 – 7.3.2017, khung D1.
MARKET PROFILE CÓ XÀI ĐƯỢC CHO FOREX KHÔNG?
Cái này cũng dễ trả lời thôi, được thì được, nhưng không chính xác bằng các thị trường khác như Futures. Đơn giản Forex là thị trường phi tập trung, tồn tại ở mọi ngõ ngách trên thế giới, do đó khó mà tổng hợp đầy đủ thanh khoản cho một cặp tiền tệ.
Futures thì tập trung hơn, do đó thanh khoản là chính xác 100%.
Giải pháp là bạn có thể sử dụng thanh khoản của Futures để trade cho Forex vì Future cũng có mua bán tiền tệ mà.
Hoặc bạn xài MP cho Forex cũng được nhưng tương đối thôi, đừng lệ thuộc nó quá là được. Tin vui là cho các swing trader là dữ liệu Market Profile cực kỳ hữu dụng.
Mời anh em tham khảo!
Theo dõi các bài viết và nhận định của Dương Sunny tại đây .