Mô hình giá là gì? Phân biệt mô hình giá với mô hình nến
Có một sự thực rằng lịch sử giá thường có xu hướng lặp lại và các mô hình giá xuất hiện sau đó sẽ tạo ra kết quả tương tự. Chính vì vậy, việc tìm hiểu các mô hình giá và áp dụng nó vào trong chiến lược của mình là vô cùng quan trọng. Trong bài học ngày hôm nay, chúng tôi sẽ giải thích cho các bạn mô hình giá là gì và phân biệt nó với mô hình nến.
Mô hình giá là gì?
Mô hình giá là một mẫu hình trong đó các mức giá được vẽ thành biểu đồ (ví dụ như hình tam giác, hình chữ nhật, hình cái nêm,…)
Mô hình giá bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn khi chuyên gia phân tích kỹ thuật John Magee giới thiệu cuốn sách “Technical Analysis of Stock Trends”.
Magee là một trong những người đầu tiên chỉ giao dịch dựa trên giá cổ phiếu và mô hình giá, ông thâm chí còn không đọc báo vì cho rằng nó khiến ông phân tâm khi phân tích kỹ thuật. Magee đã sử dụng mô hình giá cho nhiều loại tài sản khác nhau như: cổ phiếu, chỉ số trung bình, khối lượng giao dịch,….
Ý nghĩa các mô hình giá
Các nhà phân tích đã nhận ra rằng các mô hình giá thường có xu hướng lặp đi lặp lại. Chính vì thế, 1 khi mô hình được hình thành trong quá khứ, nếu chúng lại xuất hiện thời điểm hiện tại, đồng nghĩa thị trường sẽ có xu hướng phản ứng tương tự như với mô hình trước đó.
Mô hình giá chính là đại diện trực quan về tâm lý của thị trường, chỉ ra bức tranh tổng thể về cung và cầu trên thị trường, giúp cho nhà đầu tư biết được phe mua hay phe bán đang thắng thế; trở thành tấm gương phản chiếu, giúp trader dễ dàng hơn trong việc xác định xu hướng tiếp theo giá sẽ đi như thế nào.
Trên thực tế, mô hình giá được rất nhiều nhà giao dịch ưa chuộng, sử dụng để nhận biết khả năng tiếp tục của xu hướng hoặc đảo chiều xu hướng, đưa ra dự báo ngắn hạn lẫn dài hạn, có thể là trong vài giờ, vài ngày thậm chí là vài tuần hay vài tháng.
Phân biệt mô hình nến và mô hình giá
Khi mới tham gia vào thị trường, rất nhiều trader bị nhầm lẫn giữa mô hình nến và mô hình giá và chưa phân biệt được bản chất thực sự của chúng. Vậy mô hình nến và mô hình giá khác nhau ở điểm gì?
- Về nguồn gốc, lịch sử phát triển: mô hình nến được tạo bởi người Nhật còn mô hình giá được phát triển bởi người phương Tây.
- Về cấu tạo: Mô hình nến là sự kết hợp của một hoặc nhiều nến, có những mẫu nến chỉ được tạo trong một phiên giao dịch như nến Doji, Hammer,…Trong khi đó, mô hình giá được tạo ra trong nhiều phiên giao dịch với nhiều nến hơn.
- Yếu tố các nhà giao dịch quan tâm: Khi sử dụng mô hình nến, các trader thường chú trọng tới những yếu tố như giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất và giá thấp nhất. Trong khi đó, trader sử dụng mô hình giá lại tập trung vào sự chuyển động của giá thay vì những chi tiết nhỏ như vậy.
Các mô hình giá thường gặp
Mô hình giá được phân làm 2 loại chính: mô hình giá tiếp tục (Continuation Pattern) và mô hình giá đảo chiều (Reversal Pattern).
- Các mô hình giá đảo chiều: là mô hình báo hiệu sự thay đổi trong xu hướng đang diễn ra. Một số mô hình giá phổ biến: vai đầu vai, 2 đỉnh, 2 đáy, 3 đỉnh, 3 đáy,…
- Các mô hình giá tiếp diễn: là mô hình phát tín hiệu đường giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng trước đó. Ví dụ: Cờ (flag, đuôi nheo), tam giác (cân, vuông, tăng, giảm), nêm (tăng, giảm), chữ nhật , chiếc cốc và tay cầm,…
Ngoài ra, còn có các mô hình giá phức tạp như: Bướm, cua, dơi, Wolfe wave…nhưng không được sử dụng phổ biến.
Có thể nói, thị trường tài chính luôn biến động, mỗi khoảng thời gian nhất định sẽ có xu hướng giá khác nhau phản ánh tâm lý của các nhà giao dịch tại các thời điểm đó. Việc sử dụng mô hình giá khi tham gia thị trường sẽ giúp các nhà giao dịch nhận biết được phe mua hay phe bán đang thắng thế. Qua đó giúp họ dễ dàng hơn trong việc xác định xu hướng tiếp theo giá sẽ đi như thế nào. Với sự đa dạng của các mô hình giá hiện nay, các trader cần tìm hiểu kỹ lưỡng từng loại mô hình giá và cách sử dụng của nó để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong giao dịch.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
Theo dõi các bài viết và nhận định của Dương Sunny tại đây .