NHNN bán vàng miếng nhưng không mua lại từ thị trường?
NHNN sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ thành lập sàn giao dịch vàng ở thời điểm phù hợp với bối cảnh Việt Nam Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Ngay từ đầu phiên chất vấn của đại biểu (ĐB) Quốc hội về điều hành chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng, ngoại hối và lãi suất, đã có tới 72 ĐB đăng ký chất vấn, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Quốc hội đến nhóm vấn đề này.
Tại phiên họp, các ĐB Lưu Văn Đức (Đắk Lắk), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số ĐB khác bày tỏ quan tâm đến những giải pháp quản lý thị trường vàng. "Đề nghị Thống đốc cho biết thời gian qua đã thực hiện những giải pháp quản lý nào; tác động đến giá vàng và thị trường vàng ra sao", ông Đức chất vấn.
ĐB Hòa đặt vấn đề: “Vì sao NHNN chỉ bán vàng ra mà không mua vào? Khi người dân muốn bán ra thì không bán được?”. Sử dụng quyền tranh luận đặt câu hỏi lần 2, ông nói, việc bán vàng cũng chỉ diễn ra ở TPHCM, Hà Nội. Tương tự, với USD, ĐB Hòa băn khoăn: “Vì sao lãi suất gửi USD bằng 0%, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay nước ngoài và phải chịu lãi suất? Vì sao chúng ta lại không vay đô la của chính người dân, nguồn kiều hối chảy về cũng rất đáng kể?”.
Trả lời, Thống đốc NHNN cho biết thị trường vàng của Việt Nam biến động phù hợp diễn biến chung thế giới. Từ năm 2014 đến 2019, thị trường vàng tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Song bắt đầu từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao và cũng khiến giá trong nước tăng theo.
Từ tháng 6-2024, giá vàng của quốc tế lập đỉnh. Lúc trước khi can thiệp, giá vàng dao động 2.300-2.400 USD/ounce. Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao khiến Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt. NHNN cũng đã căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành và tổ chức đấu thầu. Qua đấu thầu 9 phiên cho thấy đây là giải pháp khá hiệu quả trong năm 2013. Tuy nhiên trong bối cảnh mới, tâm lý kỳ vọng của thị trường dâng lên cao.
Để thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, NHNN đã chuyển sang bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC. Nhờ vậy, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới từ 15-18 triệu đồng/lượng thì đến bây giờ chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho biết, việc can thiệp hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. "NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách để ổn định thị trường vàng", bà nói.
Trả lời ĐB Phạm Văn Hòa, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng miếng ra thị trường, do NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh và nhu cầu gia tăng, NHNN cũng chưa đặt vấn đề mua lại.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. Hiện nay, hệ thống kinh doanh mua bán vàng miếng đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng. "Ngân hàng và các doanh nghiệp này vẫn được mua bán vàng bình thường. Doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể vì cần cân đối tiền", bà Hồng trả lời.
Về việc chỉ thực hiện chính sách bán vàng ở Hà Nội và TPHCM, bà Hồng cho biết, NHNN chỉ cấp phép với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không quy định bắt buộc là phải ở địa điểm nào. Bản thân doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng.
"Qua tổng hợp từ chi nhánh ngân hàng các tỉnh, thành phố, nhu cầu mua bán vàng chủ yếu là ở Hà Nội, TPHCM và đô thị lớn. Tỉnh, thành khác trong cả nước hầu như không có hiện tượng giữ vàng hoặc xếp hàng mua vàng", Thống đốc nêu rõ.
NHNN sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ thành lập sàn giao dịch vàng ở thời điểm phù hợp với bối cảnh Việt Nam,
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Cũng liên quan đến thị trường vàng, ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nêu vấn đề, hiện nay trên thế giới có nhiều nước có thị trường phát triển cho phép lập sàn giao dịch vàng, thu hút nguồn lực vàng, mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước. “NHNN có kế hoạch đề xuất Chính phủ lập sàn giao dịch vàng hay không?”, ông Đỗ Huy Khánh chất vấn.
Theo Thống đốc, đúng là một số nước đã thành lập sàn giao dịch vàng (như Trung Quốc lập sàn vàng tại Thượng Hải). Nhưng, cũng có nước không làm vậy. Lập sàn vàng có mặt tích cực là giao dịch minh bạch, nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp, chủ thể sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để lập sàn vàng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở hạ tầng. Việt Nam không phải nước sản xuất vàng. Khi vàng giao dịch giữa các chủ thể trên thị trường cũng phải nhập từ thị trường vàng quốc tế. NHNN sẽ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng để tham mưu, đề xuất Chính phủ thành lập sàn giao dịch vàng ở thời điểm phù hợp với bối cảnh Việt Nam.