Những yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thương mại (trade balance)
Cán cân thương mại (trade balance) là bảng quyết toán về chênh lệch giữa giá trị về mặt tiền tệ của nhập khẩu và xuất khẩu trong một nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (quý hoặc năm).
Cán cân thương mại chịu tác động của nhiều yếu tố như: tỷ giá hối đoái, tình trạng lạm phát, giá cả hàng hóa, thu nhập, chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Vì được xác định trên cơ sở các giá trị nên trạng thái của cán cân thương mại phụ thuộc rất lớn vào tỷ giá hối đoái cũng như độ tin cậy số liệu và phương pháp thu thập số liệu. Độ tin cậy và chính xác của số liệu đưa ra có thể ảnh hưởng đến việc nhận dạng bản chất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thâm hụt cán cân thương mại.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại CHANNEL TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái được xem là nhân tố rất quan trọng đối với các quốc gia vì nó ảnh hưởng đến giá tương đối giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa trên thị trường quốc tế. Nếu đồng tiền của một quốc gia mạnh lên, hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này ra nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn. Ngược lại, một đồng tiền yếu sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia rẻ hơn và nhập khẩu đắt hơn ở thị trường nước ngoài.
Vì thế việc tỷ giá đồng nội tệ tăng lên sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu và thuận lợi cho nhập khẩu dẫn đến kết quả là xuất khẩu ròng (Net Exports) giảm. Ngược lại, khi tỷ giá đồng nội tệ giảm xuống, xuất khẩu sẽ có lợi thế trong khi nhập khẩu gặp bất lợi và xuất khẩu ròng tăng lên. Khi tỷ giá hối đoái tăng cao, cán cân thương mại của một nước thường giảm đi và khi tỷ giá hối đoái thấp hơn, cán cân thương mại sẽ tăng.
Tác động tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam hiện nay như thế nào ? Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, việc nhận diện những tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh các rào cản thuế quan và hạn ngạch hàng hóa nhằm bảo hộ thương mại buộc phải dỡ bỏ dần dần.
Nhập khẩu
Dựa vào công thức tính cán cân thương mại ở trên, bạn thấy được nhập khẩu chính là yếu tố có tính chất ảnh hưởng quyết định đến cán cân thương mại. Sự gia tăng của nhập khẩu khi GDP tăng phụ thuộc vào xu hướng nhập khẩu biên. Thực tế khi GDP tăng hay tăng nhanh thì từ đó nhập khẩu cũng vì thế mà tăng lên theo.
Ngoài ra, nhập khẩu còn phụ thuộc giá cả tương đối giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa sản xuất tại nước ngoài. Nếu giá cả trong nước tăng tương đối so với giá thị trường quốc tế thì nhập khẩu sẽ tăng lên và ngược lại.
Ví dụ: nếu giá xe đạp sản xuất tại Việt Nam tăng tương đối so với giá xe đạp Trung Quốc thì người dân có xu hướng tiêu thụ nhiều xe đạp Trung Quốc hơn dẫn đến nhập khẩu mặt hàng này cũng tăng theo.
Xuất khẩu
Cũng giống như Nhập khẩu, xuất khẩu cũng đóng vai trò quan trọng đối với cán cân thương mại của một quốc gia. Tuy vậy, xuất khẩu lại phụ thuộc vào những gì đang diễn ra tại các quốc gia khác vì đơn giản xuất khẩu của nước này chính là nhập khẩu của nước khác. Do vậy nó chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng và thu nhập của các quốc gia đối tác. Chính vì lý do đó mà trong các mô hình kinh tế người ta thường coi xuất khẩu là yếu tố tự định.
Chính sách tài chính
Đối với những quốc gia có nền kinh tế kém phát triển thì chính sách tài chính của quốc gia đó không mấy ảnh hưởng đến tình hình tài chính quốc tế, nhưng đối với các quốc gia có tỷ trọng cao đối với nền kinh tế toàn cầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thì nó lại tác động không hề nhỏ đối với cán cân thương mại quốc tế.