Phương pháp Wyckoff là gì? Hướng dẫn cách sử dụng phương pháp Wyckoff
Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, để thu được lợi nhuận cao, nhà đầu tư không nên thực hiện đầu tư theo cảm tính mà nên dựa trên những phương pháp và công cụ phân tích tài chính phù hợp.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư
Khi tham gia vào thị trường chứng khoán, để thu được lợi nhuận cao, nhà đầu tư không nên thực hiện đầu tư theo cảm tính mà nên dựa trên những phương pháp và công cụ phân tích tài chính phù hợp. Trong đó Wyckoff là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến và rộng rãi hiện nay. Nó là sự kết hợp giữa 2 trường phái phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật giúp cho các traders đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn đồng thời loại bỏ thói quen giao dịch theo cảm tính. Trong bài viết sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau tập trung tìm hiểu, phân tích khái niệm Wyckoff là gì, các quy luật, chu kỳ và cách phân tích thị trường của phương pháp này.
1. Wyckoff là gì?
Wyckoff là một phương pháp phân tích tài chính bao gồm một loạt các quy luật, nguyên tắc và kỹ thuật giao dịch được thiết kế nhằm giúp cho nhà đầu tư có thể đánh giá tổng thể thị trường, tìm ra những cổ phiếu có khả năng sinh lời cao và xác định mục tiêu giao dịch.
Phương pháp này được đặt tên theo cha đẻ của nó – Richard Demile Wyckoff, một trong những tượng đài của giới tài chính toàn cầu và trường phái phân tích kỹ thuật tài chính.
Wyckoff cũng chính là nền tảng cho các mô hình, phương pháp giao dịch hiện đại ngày nay ra đời như mô hình Spring and Upthrust và phương pháp VSA (Phân tích khối lượng và giá). Hiện nay, phương pháp Wyckoff được sử dụng rộng rãi cho nhiều loại thị trường tài chính khác nhau như chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa, trái phiếu hay tiền điện tử.
2. 3 quy luật của phương pháp Wyckoff
- Quy luật cung - cầu (The law of supply and demand)
+ Quy luật cung - cầu là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của thị trường tài chính. Nó được dùng để xác định xu hướng của giá. Cụ thể: Khi cầu lớn hơn cung thì giá tăng, ngược lại khi cung lớn hơn cầu thì giá giảm. Trong đó, cầu chỉ người mua và cung chỉ về người bán
+ Như vậy có thể hiểu một cách đơn giản khi số lượng người mua nhiều hơn người bán, cũng tức là nhu cầu sử dụng một loại hàng hóa tăng cao thì giá hàng hóa sẽ tăng lên. Ngược lại, khi số lượng người bán nhiều hơn người mua, nghĩa là nhu cầu giảm, giá hàng hóa giảm
+ Dựa vào quy luật này, nhà đầu tư có thể thực hiện so sánh các mức giá và khối lượng giao dịch từ đó đưa ra dự đoán về các biến động thị trường trong tương lai
- Quy luật nhân - quả (The law of cause and effect)
+ Quy luật nhân - quả giúp cho các nhà đầu tư xác định mục tiêu của giá đi lên hay xuống thông qua việc đánh giá mức độ tiềm năng của một xu hướng cụ thể. Lúc này, sự khác biệt giữa cung và cầu không còn là ngẫu nhiên nữa mà là kết quả của nhiều giai đoạn chuẩn bị trước đó.
+ Để mô tả quy luật này, Wyckoff sử dụng biểu đồ Điểm và Hình (Point and Figure chart). Trong đó, nguyên nhân được đo lường bằng số điểm đi ngang trong biểu đồ và hệ quả chính là khoảng cách giá dịch chuyển tương ứng với số điểm đó. Vì thế nếu giá đi ngang càng lâu thì khi giá vượt ra khỏi giai đoạn đó sẽ đi có xu hướng tăng càng mạnh.
+ Như vậy ngoài việc xác định giá đi lên hay xuống, phương pháp Wyckoff còn giúp cho nhà đầu tư có thể ước tính xu hướng thị trường có thể kéo dài bao lâu sau khi thoát ra khỏi phạm vi hợp nhất hoặc giao dịch.
- Quy luật nỗ lực - kết quả (The law of Effort and Result)
+ Quy luật nỗ lực - kết quả giúp nhà đầu tư đưa ra các cảnh báo về sự thay đổi của xu hướng giá trong tương lai gần và có thể được xác định thông qua sự khác nhau giữa giá và khối lượng giao dịch.
+ Nếu giá tài sản biến động theo cách hòa hợp với khối lượng giao dịch, có nhiều khả năng xu hướng sẽ tiếp tục tăng. Nhưng, nếu khối lượng giao dịch và giá tài sản có sự khác biệt đáng kể thì xu hướng thị trường có khả năng dừng lại hoặc đổi hướng (đảo trend).
3. 4 chu kỳ giá của Wyckoff
- Giai đoạn Tích lũy
Đây là giai đoạn mà các “composite man” (ông lớn) trên thị trường bắt đầu tích lũy tài sản. Những thế lực này sẽ đổ tiền vào thị trường một cách khéo léo và chậm rãi để tránh cho giá biến động không quá nhiều. Thị trường ở giai đoạn này có xu hướng đi ngang.
- Giai đoạn Tăng giá
Khi giai đoạn tích lũy bị phá vỡ, thị trường sẽ bắt đầu giai đoạn tăng giá. Lúc này các composite man bắt đầu nhanh chóng đẩy giá lên, xu hướng tăng giá bắt đầu được hình thành. Giai đoạn tăng giá sẽ thúc đẩy những nhà đầu tư đang ở bên ngoài thị trường nhảy vào mua cổ phiếu, khiến cho cầu lớn hơn cung, thị trường tiếp tục đẩy giá lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên trong giai đoạn tăng giá này, không nhất thiết là lúc nào giá cũng đi lên mà thị trường sẽ có những giai đoạn tích lũy ngắn (tái tích lũy) hoặc những đợt suy thoái nhỏ (điều chỉnh giảm). Khi đó, giá sẽ đi ngang hoặc điều chỉnh giảm nhẹ trong một khoảng thời gian ngắn, trước khi tiếp tục tăng giá trở lại.
- Giai đoạn Phân phối
Sau khi đã thỏa mãn nhu cầu mua cổ phiếu, những nhà đầu tư có lợi nhuận cao bắt đầu phân phối tài sản của mình cho những nhà đầu tư nhập cuộc muộn hơn bằng cách bán bớt cổ phiếu ra để chốt lời.
Giai đoạn này được các composite man thực hiện một cách khéo léo bằng cách bán ra từ từ để giá không giảm nhanh mà vẫn kích thích được nhu cầu mua vào của những nhà đầu tư cá nhân. Ở giai đoạn này thị trường có xu hướng đi ngang.
- Giai đoạn Giảm giá
Sau khi các composite man đã bán một lượng lớn các cổ phiếu của mình, họ sẽ bắt đầu đẩy thị trường đi xuống nhanh hơn. Điều này khiến cho những nhà đầu tư khác bắt đầu lo sợ và bán cổ phiếu ra làm cho cung lớn hơn cầu, dẫn đến giá giảm.
So với giai đoạn tích lũy và tăng giá thì giai đoạn này sẽ diễn ra nhanh hơn với cường độ mạnh hơn. Vì trong giai đoạn này, nhà đầu tư có xu hướng muốn bán nhanh tài sản để thoát khỏi vị thế của mình.
Tương tự như giai đoạn tăng giá, thị trường không phải lúc nào cũng đi xuống mà sẽ có những khoảng thời gian ngắn thị trường sẽ tái phân phối hoặc điều chỉnh tăng trước khi tiếp tục xu hướng giảm. Khi kết thúc giai đoạn giảm giá, thị trường sẽ lại tiếp tục chu kỳ bằng một giai đoạn tích lũy mới.
4. Hướng dẫn cách sử dụng phương pháp Wyckoff để tiếp cận thị trường
- Bước 1: Xác định xu hướng
Bằng cách nhận định xu hướng hiện tại và dự đoán hướng đi của giá trong tương lai xuất phát từ việc phân tích cấu trúc thị trường và mối quan hệ cung-cầu
Xác định xu hướng giúp nhà đầu tư quyết định được có nên tham gia vào thị trường tại thời điểm này hay không và nên tham gia ở vị thế nào, mua hay bán?
- Bước 2: Lựa chọn cổ phiếu phù hợp với xu hướng
Khi xu hướng tăng, nhà đầu tư hãy chọn cho mình các cổ phiếu mạnh trên thị trường, có mức tăng trưởng cao hơn mức chung. Hay nói cách khác, chúng là những cổ phiếu có phần trăm tăng cao hơn khi thị trường phục hồi và phần trăm giảm thấp hơn hoặc vẫn tăng khi thị trường hiệu chỉnh. Ngược lại, khi xu hướng giảm, nhà đầu tư hãy nhanh chóng lựa chọn các cổ phiếu có đà giảm lớn hơn đà giảm chung.
- Bước 3: Chọn cổ phiếu có “nguyên nhân” đáp ứng được mục tiêu
Phương pháp Wyckoff giúp nhà đầu tư xác định mục tiêu giá dựa vào độ dài của giai đoạn tích lũy/phân phối (khi thị trường đi ngang hoặc điều chỉnh). Vì thế, dựa trên quy luật nhân quả của Wyckoff, nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn, bạn nên chọn những cổ phiếu đang trong giai đoạn tích lũy hoặc tái tích lũy đủ lâu để có thể đáp ứng được mục tiêu về giá của mình.
- Bước 4: Xác định khả năng phá vỡ của giá
Sau khi chọn được cổ phiếu đang trong các giai đoạn tích lũy, nhà đầu tư có thể xem xét liệu nó đã sẵn sàng phá vỡ phạm vi giao dịch TR để tăng lên sau đợt tích lũy hoặc giảm xuống sau đợt phân phối hay chưa.
Để nhận định khả năng di chuyển của giá, Wyckoff đã đề xuất 9 thử nghiệm mua và bán. Các thử nghiệm sẽ giúp nhà đầu tư xác định khi nào một TR sắp kết thúc và một xu hướng mới (tăng giá hoặc giảm giá) sắp bắt đầu. 9 thử nghiệm Wyckoff bao gồm:
Đã hoàn thành mục tiêu giảm giá, P&F Chart.
Hình thành PS, SC và ST, Bar và P&F Chart.
Xuất hiện các hoạt động tăng giá: khối lượng giao dịch tăng trong giai đoạn phục hồi và giảm khi hiệu chỉnh), Bar Chart.
Trendline của xu hướng giảm bị phá vỡ, Bar hoặc P&F Chart.
Giá tạo đáy cao hơn, Bar và/hoặc P&F Chart.
Giá tạo đỉnh cao hơn, Bar và/hoặc P&F Chart.
Cổ phiếu mạnh hơn thị trường (tăng giá cao hơn khi phục hồi và phản ứng tốt hơn so với chỉ số của thị trường), Bar Chart.
Hình thành cơ sở (đường giá nằm ngang), nghĩa là thời gian tích lũy đủ lâu để tạo ra sự bức phá trong tương lai, Bar và/hoặc P&F Chart.
Ước tính lợi nhuận tiềm năng cao gấp 3 lần mức cắt lỗ, Bar và P&F Chart.
- Bước 5: Xác định thời gian thích hợp để tham gia vào thị trường
Phương pháp Wyckoff cho thấy nhà đầu tư chỉ nên tham gia vào thị trường khi các yếu tố của cổ phiếu phù hợp và hài hòa với xu hướng chung của thị trường. Như thế, giao dịch của các traders sẽ có tỷ lệ thành công hơn nhờ vào sức mạnh tổng thể của thị trường.
Bên cạnh đó, dựa vào các quy luật và chu kỳ giá của Wyckoff, nhà đầu tư sẽ giúp cho nhà đầu tư xác định được điểm vào lệnh, cắt lỗ và chốt lời hợp lý hơn.
Như vậy là bài viết trên đã giúp cho các nhà đầu tư hiểu rõ được phương pháp Wyckoff là gì và cách sử dụng Wyckoff để tiếp cận thị trường.