Sức mạnh T+0 nhìn từ giao dịch bùng nổ của cổ phiếu VinFast và kỳ vọng vào KRX

Sức mạnh T+0 nhìn từ giao dịch bùng nổ của cổ phiếu VinFast và kỳ vọng vào KRX

Sức mạnh T+0 nhìn từ giao dịch bùng nổ của cổ phiếu VinFast và kỳ vọng vào KRX

Cổ phiếu VinFast vừa có phiên giao dịch bùng nổ trên Nasdaq với khối lượng khớp lệnh gấp hơn 3 lần freefloat, giá trị giao dịch xấp xỉ ngưỡng tỷ USD, lớn hơn cả thanh khoản sàn HoSE.

Từ sau giai đoạn thăng hoa cuối năm 2021 đến đầu 2022, những phiên giao dịch tỷ USD đã dần vắng bóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đến cuối tháng 7 vừa qua, giá trị khớp lệnh trên HoSE mới “ngấp nghé” trở lại ngưỡng tỷ USD nhưng những phiên thanh khoản thực sự vượt lên trên con số này cũng không nhiều.

Thanh khoản bình quân phiên trên HoSE tính từ đầu tháng 8 đang ở mức cao nhất trong vòng 17 tháng nhưng mới dừng ở mức gần 20.700 tỷ đồng (~870 triệu USD). Nhìn sang nửa bên kia bán cầu, chỉ riêng cổ phiếu VinFast (VFS) đã khớp lệnh tỷ USD trên Nasdaq trong phiên 25/8. Điều này phần nào cho thấy quy mô “khổng lồ” của dòng vốn lưu thông trên sàn chứng khoán Mỹ.

Sức mạnh T+0 nhìn từ giao dịch bùng nổ của cổ phiếu VinFast và kỳ vọng vào KRX - Ảnh 1.

Đáng chú ý, VinFast chỉ mới lên sàn 2 tuần trước với lượng lưu hành tự do (freefloat) rất nhỏ, dưới 1%. Theo chia sẻ của CEO VinFast toàn cầu sau phiên chào sàn, chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu đang giao dịch tự do trên sàn Nasdaq. Tuy nhiên, thanh khoản của VFS lại thường xuyên gấp nhiều lần lượng freefloat, điển hình như phiên 25/8 vừa qua đã có hơn 15 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ngoài sức nóng của “tân binh” VinFast, một yếu tố khác góp phần đáng kể tạo ra sự sôi động trên là việc TTCK Mỹ giao dịch với cơ chế T+0, tức nhà đầu tư có thể mua bán ngay trong phiên. Bên cạnh đó, việc không có biên độ cũng phần nào làm tăng mức độ và cường độ biến động của cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ trong khi TTCK Việt Nam đang áp dụng biên độ +/-7% với HoSE, +/-10% với HNX và +/-15% với UpCOM.

Giao dịch T+0 và “bán khống”

Cơ chế giao dịch trong ngày (Daytrading – hay còn gọi là T+0) cho phép nhà đầu tư có thể mua và bán cùng một loại chứng khoán (hay các sản phẩm tài chính khác) nhiều lần trong cùng ngày với mục đích đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận hoặc để hạn chế rủi ro do giá chứng khoán biến động theo chiều hướng đi xuống so với thời điểm mua vào.

Với việc thực hiện giao dịch trong ngày, vào cuối ngày, tất cả vị thế nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư sẽ được đối trừ với nhau, nên không phát sinh nghĩa vụ thanh toán chứng khoán. Nhà đầu tư chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng tiền trong trường hợp bị lỗ hoặc được nhận tiền trường hợp lãi.

Mặc dù đem lại nhiều lựa chọn giao dịch hơn cho nhà đầu tư, nhưng giao dịch trong ngày được đánh giá rất phức tạp, có tính rủi ro cao nên chỉ phù hợp với các nhà tổ chức đầu tư tài chính, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, giao dịch trong ngày chỉ được áp dụng với kèm theo những điều kiện nhất định.

Kể cả trong trường hợp chấp thuận cho giao dịch trong ngày, nhà đầu tư vẫn phải đảm bảo có đủ chứng khoán khi thực hiện bán thông qua việc quy định chỉ được bán khi đã thực hiện xong giao dịch mua trước đó hoặc phải có đủ nguồn chứng khoán đảm bảo khác như đang có chứng khoán chờ nhận về từ giao dịch mua ngày hôm trước hay có chứng khoán vay được từ bên thứ ba. Trên thực tế, hầu như không có thị trường nào cho phép nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua bán trong ngày trên thị trường cơ sở khi không có tài sản đảm bảo.

Điều này làm nảy sinh nhu cầu về nghiệp vụ bán khống (short selling). Bán khống thực chất là hoạt động bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu vào thời điểm thực hiện giao dịch. Khi bán khống, nhà đầu tư mượn chứng khoán từ tài khoản của nhà môi giới và bán trong trường hợp dự đoán giá chứng khoán giảm, sau đó mua lại với giá thấp hơn trong tương lai nhằm thu lợi.

Kỳ vọng vào KRX

Thời điểm hiện tại, TTCK Việt Nam hiện đang giao dịch theo cơ chế T+1,5 và không được phép bán khống. Không thể phủ nhận các cơ chế này là phù hợp với bối cảnh thị trường và chất lượng nhà đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là một phần nguyên nhân khiến giao dịch chứng khoán tại Việt Nam có phần kém sôi động hơn so với các thị trường phát triển. Điều này có thể sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi hệ thống KRX đi vào hoạt động.

Theo kế hoạch của Nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai. Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành dự án và chuẩn bị hệ thống sẵn sàng đi vào vận hành vào cuối năm nay.

Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như: giao dịch trong ngày (T+0), bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)...; tạo tiền đề giải quyết các nút thắt để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi như: thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.

Theo giới phân tích, giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú huých giúp TTCK phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, giao dịch T+0 có thể góp phần thu hút được lượng lớn các nhà đầu tư tham gia khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Đây cũng là yếu tố sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường theo đánh giá của FTSE và MSCI.

Với những nỗ lực của cơ quan quản lý, các thành viên tham gia thị trường, triển vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai gần. Điều này sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với TTCK Việt qua đó thu hút thêm nhiều dòng vốn ngoại, với dự báo vào khoảng 3,5 - 4 tỷ USD.

Theo Nhịp sống thị trường.

Tham gia nhóm Giao lộ đầu tư để nhận tin tức mới nhất từ thị trường.

@giaolodautu
Giao Lộ Đầu Tư
Loading...