Việc huy động vốn tại Mỹ của VinFast tác động ra sao đến các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành xe hơi?
Những ngày qua, sự kiện VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận đồng thời tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Trong phiên thảo luận trực tuyến ngày 20/8 vừa qua, ThS Nguyễn Thế Trung và TS Ngô Công Trường, đã có một số chia sẻ đáng chú ý về vấn đề này.
Có nên mua cổ phiếu VinFast không?
Trong buổi thảo luận, khi được hỏi có nên mua cổ phiếu VinFast không, ông Trung cho biết: “Ở góc độ chuyên gia, tôi không thể trả lời là có hay không vì về mặt tư vấn đầu tư, tất cả phải xuất phát từ cá nhân nhà đầu tư. Bạn đang có gì, nhiều tiền hay ít tiền, dòng tiền, mục tiêu, mức độ chấp nhận rủi ro, lợi nhuận mong muốn của bạn ra sao? Bạn cần cung cấp những thông tin đó thì mới tư vấn được.
Thứ hai, câu trả lời có thể là nên sở hữu những cổ phiếu thuộc dòng nào chứ chưa chắc là cổ phiếu cụ thể của công ty nào. Một điểm nữa, việc mua cổ phiếu nào nên phù hợp với tình hình tài chính và định hướng của bạn. Chúng ta nên có cách tiếp cận như vậy.
Quay lại trường hợp cụ thể là có nên mua cổ phiếu VinFast hay không, theo tôi, ai có tiền dư và thích thì có thể mua thoải mái. Còn mua thế nào là rẻ thì mọi người tự cân nhắc. Tuy nhiên, khi đầu tư chứng khoán, tôi khuyên chỉ những người am hiểu hãy đầu tư vì không am hiểu và chạy theo đám đông sẽ dễ thất bại”.
Kinh doanh xe điện ở Mỹ khó, tại sao VinFast vẫn làm?
Nhiều người cho rằng sản xuất và kinh doanh xe hơi, đặc biệt là xe điện và tại thị trường Mỹ là điều không đơn giản, từ khâu sản xuất, bán hàng, logistics cho đến xây dựng hệ sinh thái. Tại sao khó đủ đường như vậy nhưng VinFast vẫn làm?
Ông Trường chia sẻ: “Hiện nay, xe hơi là một trong những ngành trọng điểm và tiên phong về mặt kỹ thuật và công nghệ. Nếu khó và không ai muốn tham gia thì ai sẽ là người tiên phong? Còn nếu khó mà vẫn tham gia và thành công thì việc này sẽ đem lại vô vàn trái ngọt.
Tại Thung lũng Silicon, khi bạn trình bày ý tưởng khởi nghiệp nghe có vẻ rất điên rồ, đa số các nhà đầu tư mới ủng hộ bạn bởi họ nhìn thấy tiềm năng để trở thành doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, nếu ý tưởng của bạn chỉ cần nói ra là ai cũng hiểu thì sẽ không được đánh giá cao.
Đến một thời điểm nào đó, doanh nghiệp sẽ vượt qua được những nhu cầu bên dưới của ‘Tháp nhu cầu Maslow’ để hướng tới nhu cầu được thể hiện, được tôn trọng và nhu cầu để lại di sản cho đời sau. VinFast chính là di sản mà tập đoàn Vingroup muốn để lại. Do đó, các nhà lãnh đạo của VinFast rất kiên định với mục tiêu đã đặt ra”.
Cũng theo ông Trường, về mặt kỹ thuật, VinFast đã rất khôn ngoan trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đặc biệt, quá trình xây dựng, hoạch định và thực thi chiến lược của VinFast là một trong những điều mà cộng đồng chuyên gia ở Mỹ rất ấn tượng.
Tính thực thi này, ví dụ ở những nước phát triển như Mỹ, tốt là chuyện bình thường nhưng tại nhiều nước châu Á lại là chuyện lạ. Ngay cả những người làm chính trị ở Mỹ cũng rất ngưỡng mộ tinh thần thực thi quyết liệt của VinFast.
Ông Trường nhấn mạnh rằng một cách công bằng và khách quan, VinFast nhanh nhưng có lộ trình bài bản và tất cả những gì họ đạt được ở thời điểm hiện tại là nhờ đội ngũ thực thi vô cùng hiệu quả.
Theo quan sát của ông Trường, năng lực thực thi này ngay cả người Mỹ ở Mỹ cũng chưa chắc đã đủ quyết liệt để triển khai thành công như vậy. Ông giải thích thêm rằng rất nhiều thứ đã đạt tới mức độ chín muồi tại Mỹ và không ít người Mỹ đã ở trong vùng an toàn khá lâu nên có thể những điều đó ảnh hưởng đến năng lực thực thi của họ.
Trả lời câu hỏi việc huy động vốn tại Mỹ của VinFast tác động ra sao đến các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành xe hơi, ông Trung cho biết: “Việt Nam đã có đầu tàu là VinFast, vậy nên nhiệm vụ còn lại của các doanh nghiệp xe hơi khác là sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng tốt để cung cấp cho VinFast. Theo tôi, đây là cơ hội tốt để tham gia chuỗi cung ứng mà ngày trước họ không có được”.
Nguồn: Nhịp sống thị trường