ECB và lần cắt giảm lãi suất thứ tư trong năm: Hướng đi sắp tới cho Eurozone?
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ giảm lãi suất lần thứ tư trong năm nay, nới lỏng áp lực đối với nền kinh tế khu vực vốn đang chật vật khi lạm phát tiến gần mức 2%.
Tất cả trừ một chuyên gia được Bloomberg khảo sát đều dự đoán sẽ có thêm một đợt giảm 25 bps vào thứ Năm này, đưa lãi suất chính sách xuống còn 3%. Chỉ có JPMorgan Chase dự báo mức giảm lớn hơn, 50 bps, với lập luận rằng dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng và lạm phát yếu hơn.
Quan chức ECB lo ngại về quỹ đạo kinh tế hiện tại, trong đó một số người lo rằng tình trạng trì trệ kéo dài có thể khiến lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu. Họ cũng phải đối mặt với tình trạng chính phủ tại Đức và Pháp sụp đổ, đồng thời tìm cách đánh giá tác động từ chính sách kinh tế của Donald Trump không chỉ đối với châu Âu mà còn với Fed.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, có một số định hướng về việc giảm lãi suất một cách từ từ. Các dự báo hàng quý mới sắp tới, có khả năng chỉ ra lạm phát và GDP yếu hơn vào năm 2025, sẽ giúp định hình con đường phía trước.
Lãi suất
Khi ECB quyết định đẩy nhanh lần cắt giảm lãi suất thứ ba vào tháng 10, tình hình kinh tế trông có vẻ ảm đạm đến mức các quan chức đã tranh luận về việc liệu họ có cần phải giảm 50 bps để hỗ trợ nền kinh tế hay không.
Cuộc thảo luận này cuối cùng đã lắng xuống khi GDP mạnh hơn dự kiến trong quý thứ ba. Chỉ một số ít nhà hoạch định chính sách yêu cầu giữ nguyên phương án giảm lớn cho cuộc họp tháng 12.
Nhà đầu tư gần như không còn định giá rủi ro của bước đi lớn như vậy, dù họ cho rằng điều đó vẫn là khả thi trong các cuộc họp tới. Các nhà kinh tế dự báo sẽ có các đợt giảm 25 bps liên tiếp cho đến khi lãi suất đạt mức 2%.
Ngay cả những người có quan điểm hawkish cũng đồng ý rằng việc cắt giảm lãi suất vào thứ Năm sẽ không phải là lần cuối. ECB có thể sẽ điều chỉnh ngôn từ trong tuyên bố chính sách của mình, đặc biệt là thông cáo tại cho biết họ sẽ giữ lãi suất chính sách đủ thắt chặt trong thời gian cần thiết. Tuy nhiên, ECB có khả năng vẫn duy trì cách tiếp cận từ từ, dựa trên dữ liệu trong từng cuộc họp, để linh hoạt hơn.
Các nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu cân nhắc xa hơn, đưa ra lập trường liệu lãi suất có cần giảm xuống dưới mức trung lập hay không. Đây là mức lãi suất mà ở đó chính sách tiền tệ không thắt chặt cũng không kích thích nền kinh tế, thường được cho là khoảng 2%.
Một số quan chức, bao gồm Francois Villeroy de Galhau và Fabio Panetta, cho rằng điều này cần được xem xét. Tuy nhiên, thành viên Hội đồng Thống đốc Isabel Schnabel cảnh báo về việc đi quá xa, có thể làm lãng phí dư địa quý giá vào thời điểm nền kinh tế đang bị cản trở bởi các vấn đề cơ cấu mà chính sách tiền tệ không thể giải quyết được nhiều.
Dự báo kinh tế
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã từ lâu kỳ vọng tăng lương và chi tiêu hộ gia đình sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Vào tháng 9, ECB dự báo tăng trưởng sẽ đạt 1.3% vào năm 2025 và 1.5% vào năm 2026, tăng từ mức 0.8% trong năm nay.
Tuy nhiên, sau các cuộc khảo sát hàng tháng gần đây với các nhà quản lý mua hàng cho thấy tình trạng trì trệ trong ngành sản xuất đang lan sang lĩnh vực dịch vụ, những giả định này có vẻ quá lạc quan. Phần lớn các nhà phân tích dự đoán dự báo tăng trưởng cho năm 2025 sẽ bị cắt giảm.
Về lạm phát, mức tăng lên 2.3% vào tháng trước được xem là vẫn nằm trong dự kiến. Tuy vậy, các nhà phân tích dự báo lạm phats cho năm 2024 và 2025 sẽ bị hạ thấp. Đối với năm 2026, lạm phát kỳ vọng có khả năng vẫn ở mức trung bình 2%.
Một thiếu sót rõ ràng trong loạt dự báo này là những yếu tố chưa được đề cập - chẳng hạn như một cuộc xung đột thương mại tiềm năng với Mỹ, hay ảnh hưởng tài chính từ các chính phủ mới tại Đức và Pháp. Những vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách xem xét các kịch bản thay thế, như ECB đã từng làm trong quá khứ.
Biến động tại Pháp
Việc Quốc hội Pháp không đạt được đồng thuận về kế hoạch ngân sách đã tạo ra sự biến động mới trên thị trường TPCP của nước này, khiến lợi suất trái phiếu tăng lên ngang bằng với Hy Lạp. Điều này đã làm dấy lên suy đoán rằng ECB có thể triển khai công cụ mua trái phiếu khẩn cấp được tạo ra vào năm 2022.
Khi được hỏi về khả năng này, Chủ tịch Ngân hàng Bundesbank, Joachim Nagel, cho biết công cụ này không nhằm mục đích kiềm chế các biến động phản ánh những diễn biến chính trị. Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ đưa ra quan điểm tương tự nếu chủ đề này được nêu lên trong buổi họp báo của bà.
- Tham khảo kế hoạch giao dịch VÀNG - TIỀN TỆ mới nhất hàng ngày tại TELEGRAM: Giao Lộ Đầu Tư